Chiều 2/3, HĐXX tiếp tục làm rõ việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Oceanbank.
Đại diện ủy quyền của PVN là luật sư Hoàng Văn Dũng trả lời cụ thể quá trình PVN góp vốn 800 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ) Oceanbank.
Theo đó, việc góp vốn của PVN theo chủ trương Chính phủ. Lần thứ nhất, năm 2008, khi Oceanbank tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, PVN góp 20% tương ứng số tiền 400 tỷ đồng. Hình thức góp vốn chuyển từ tiền gửi của PVN sang tài khoản Oceanbank. Năm 2009, Oceanbank tiếp tục tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ. Để giữ được 20% vốn điều lệ, PVN góp thêm 300 tỷ đồng. Lần thứ 3, năm 2011, PVN góp thêm 100 tỷ đồng đảm bảo tương ứng 20% vốn điều lệ.
HĐXX: Về công tác quản lý vốn, qua lần góp phân công trách nhiệm như nào, phương thức quản lý vốn ra sao?
Đại diện ủy quyền PVN: PVN có quy chế quản lý vốn ở doanh nghiệp khác. Theo phân cấp, khi góp vốn thì Oceanbank là đơn vị liên kết, PVN cử 3 người theo từng thời kỳ. Mục đích muốn kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Oceanbank. Việc kiểm soát thông qua 3 người cụ thể.
Theo quy định PVN, hàng tháng, quý, năm họ phải báo cáo cho HĐQT (sau này là Hội đồng thành viên). Ngoài ra, PVN còn thực hiện chế độ giám sát thông qua giám sát bên ngoài. Các ban thường xuyên kiểm tra báo cáo, đánh giá. Quá trình kiểm soát không phát hiện bất kỳ sai phạm nào trong việc góp vốn.
HĐXX: Trên thực tế, Oceanbank kinh doanh không có lãi, trách nhiệm xử lý như nào?
Đại diện ủy quyền PVN: PVN năm nào cũng được chia lãi từ 2009-2013. Lãi được hiểu là cổ tức, chưa có năm nào báo cáo lỗ.
HĐXX: Nếu lỗ ai chịu trách nhiệm?
Đại diện ủy quyền PVN: Giả định lỗ không xảy ra. Nếu có, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank.
HĐXX: Ông lý giải thế nào khi quý I/2014, báo cáo thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Oceanbank âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Toàn bộ số tiền PVN đầu tư trở thành 0 đồng?
Đại diện ủy quyền PVN: Về việc Oceanbank bị mua lại 0 đồng dẫn đến việc hiểu rằng PVN mất 800 tỷ đồng vốn góp.
Chúng tôi nhận được kết luận cơ quan điều tra, cáo trạng, cơ quan điều tra tách ra giai đoạn 2. Chúng tôi ý thức được rằng công tác giám sát, cử những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực nhưng nếu giả định họ đã thực hiện việc này mà chưa đúng vai trò thì theo quy chế, quy định pháp luật.
Từ khi góp vốn và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng không có đánh giá, kết luận nào từ phía cơ quan chức năng về hiệu quả đầu tư dẫn đến mất vốn.
HĐXX: Có 3 vị trí giám sát nhưng đến năm 2012 đã có cảnh báo Oceanbank lỗ, 3 người này vẫn báo cáo có lãi, họ báo cáo đúng hay sai?
Đại diện ủy quyền PVN: Báo cáo của HĐQT, sau này HĐTV nhận được, trong đó đều ghi hoạt động hiệu quả, thể hiện chia cổ tức hàng năm. Số tiền đó được hạch toán vào sổ sách, không có dấu hiệu nào chúng tôi nhận thấy hoạt động không hiệu quả.
Khi Ngân hàng Nhà nước có kết luận thanh tra, chúng tôi cũng không nhận được kết luận này. Chỉ tại phiên tòa hôm nay chúng tôi mới được biết nội dung đó.
HĐXX: Tòa sẽ làm rõ trách nhiệm những người đại diện phần vốn góp của PVN và sẽ kiến nghị xem xét từng trách nhiệm cá nhân.
Trình bày trước tòa, ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN cho biết, tổng số tiền PVN gửi tại Oceanbank có thời điểm cao nhất vào năm 2011 là khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ông Quỳnh cho biết thêm, bản thân không nhận bất cứ khoản tiền Oceanbank chi “chăm sóc khách hàng”. Quá trình bổ nhiệm Phó tổng giám đốc PVN, giữa ông và ông Nguyễn Xuân Sơn “bằng mặt không bằng lòng”. Do đó, về mối quan hệ, hai bên không tin tưởng, có phần cảnh giác với nhau.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Oceanbank) khai nhận, có lần xách hộ túi vải cho Nguyễn Xuân Sơn lên phòng anh Quỳnh. Tuy nhiên, bị cáo không biết bên trong là gì.