Mới đây, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt xảy ra tại CTCP Dệt Quế Võ và chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.
Các bị cáo Nguyễn Việt Hoàng (SN 1977, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty Dệt Quế Võ) và Nguyễn Quốc Hùng (SN 1970, nghề nghiệp lái xe, nguyên Phó giám đốc CTCP Dệt may xuất Chương Dương) lĩnh án 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh trên, Nguyễn Thị Tuyết Thanh (SN 1971, nguyên kế toán trưởng Công ty Dệt Quế Võ) lĩnh án 14 năm 6 tháng tù.
4 bị cáo là nguyên lãnh đạo, cán bộ chi nhánh Qũy hỗ trợ phát triển Bắc Ninh (nay là Ngân hàng phát triển Việt Nam) phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gồm: Nguyễn Thế Tài (SN 1977, cán bộ tín dụng), Trần Đức Lực (SN 1965, nguyên phó giám đốc), Nguyễn Huy Bình (SN 1973, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Thế Thư (SN 1952, nguyên giám đốc) lĩnh án từ 6 năm – 8 năm tù.
Chiếm đoạt 45 tỷ đồng
Bản án sơ thẩm thể hiện, Công ty Dệt Quế Võ do Nguyễn Việt Hoàng đứng tên đại diện theo pháp luật. Nhưng thực chất, công ty do vợ chồng Doãn Ngọc Giang và Kiều Thị Thanh Hương (đang bỏ trốn) thành lập.
Năm 2005, công ty lập Dự án đầu tư xây dựng nhà máy dệt (diện tích 9.000 m2, tại Khu công nghiệp Quế Võ, vốn là 99,5 tỷ đồng; vốn vay chiếm 50%) nhằm mục đích vay tín dụng.
Vợ chồng Giang lập thêm CTCP Dệt may xuất Chương Dương (do Nguyễn Quốc Hùng là phó giám đốc) nhằm tạo dựng hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Theo hợp đồng ba bên, Công ty Quế Võ mua thiết bị máy móc của Công ty New Century với giá 3,7 triệu USD thông qua đơn vị nhập khẩu ủy thác là Công ty Chương Dương.
Với bộ hồ sơ giả mạo, Công ty Dệt Quế Võ đã được chi nhánh giải ngân 45 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện giải ngân, để chứng minh có việc mua bán thiết bị, máy móc, Doãn Ngọc Giang làm giả 8 bộ hồ sơ thanh toán và các điện chuyển tiền. Các tài liệu nhập khẩu máy móc, thiết bị đều là bản photocopy được Hùng ký và đóng dấu Công ty Chương Dương.
Xác minh cho thấy, từ khi thành lập, Công ty Dệt Quế Võ không hoạt động kinh doanh. Công ty Chương Dương không có dữ liệu xuất, nhập khẩu làm thủ tục hải quan.
Sau khi xử lý một số tài sản bảo đảm, hiện nay dư nợ gốc còn 28 tỷ đồng. Đối với vợ chồng Giang Hương trốn nã, cơ quan điều tra ra lệnh truy nã quốc tế.
Giải ngân bằng hồ sơ phô tô
Thẩm đinh dự án trên do Nguyễn Thế Tài thực hiện. Mặc dù dự án chưa có ý kiến sở, bên ngành, Công ty Quế Võ mới được thành lập, không có báo cáo tài chính quý gần nhất, không có xác nhận nộp thuế, Tài lập báo cáo thẩm định tổng hợp với nội dung chủ đầu tư nộp hồ sơ đúng quy định.
Báo cáo này được Trần Đức Lực duyệt, ký nháy và trình Nguyễn Thế Thư ký đề nghị chấp thuận cho vay, giải ngân 45 tỷ đồng. Mặc dù thời điểm này, Công ty Quế Võ không bổ sung thêm ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của cấp có thẩm quyền, không mở tài khoản vốn tự có,
Quá trình giải ngân, bị cáo Tài không kiểm tra bộ chứng từ gốc, chấp nhận tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa là bản phô tô. Các bị cáo Lực, Bình, Thư bỏ qua khâu kiểm tra hồ sơ, ký duyệt giải ngân.
Bị cáo Tài khai nhận do năng lực chuyên môn hạn chế, thực hiện theo sự hướng dẫn của Lực. Nội dung báo cáo thẩm định, hồ sơ giải ngân là bản phô tô (không có bản gốc), lãnh đạo phòng và chi nhánh biết nhưng vẫn chấp thuận. Bị cáo cho rằng mọi vấn đề liên quan đến dự án, giải ngân do lãnh đạo phòng và chi nhánh quyết định, nhưng cáo trạng đánh giá bị cáo giữ vai trò chính là không phù hợp.
Các bị cáo còn lại khai nhận vì tin tưởng cán bộ tín dụng nên dẫn tới sai phạm nhưng là lỗi vô ý và thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo đã cố ý làm sai, vi phạm quy trình cho vay đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển.