Vụ 7 ngân hàng xiết nợ kho hàng của Công ty Trường Ngân đã thu hút sự chú ý của dư luận trong một thời gian dài khi các ngân hàng cử nhân viên, ô tô bao vây kho hàng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Việc xử lý hậu quả sau đó, cụ thể trong vụ việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty Trường Ngân để thu hồi nợ của Ngân hàng OCB, một số ngân hàng khác cũng cho Trường Ngân vay nợ bày tỏ bức xúc và cho rằng việc thực hiện cưỡng chế thi hành án có thể có thiếu sót. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, phía OCB khẳng định không thể có thiếu sót trong thủ tục thi hành án và việc cưỡng chế được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Cũng theo nguồn tin của ĐTCK, Ngân hàng OCB đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc khởi kiện và sau đó là vấn đề thi hành án từ nhiều tháng trước đặc biệt là các căn cứ pháp lý. Trước đó, OCB đã có đơn yêu cầu thi hành án ở cơ quan thi hành án quận 4 (TP. HCM). Tuy nhiên, do kho hàng nằm ở tỉnh Bình Dương nên cơ quan thi hành án quận 4 đã ủy thác thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Vào ngày 3/12, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Trường Ngân (thị xã Dĩ An, Bình Dương) để thu hồi hơn 3.000 tấn café hạt để thanh toán cho khoản nợ hơn 93 tỷ đồng của Ngân hàng OCB.
Được biết, từ tháng 6/2013 đã xảy ra việc tranh chấp thu hồi nợ giữa 7 ngân hàng gồm Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Các ngân hàng này đều cho Công ty Trường Ngân vay vốn với tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kho.
Tuy nhiên, như ĐTCK đã từng phản ánh về cạm bẫy pháp lý trong việc cho vay thế chấp kho hàng, do tài sản thế chấp chỉ là một phần hàng hóa trong kho và ngân hàng không quản lý trực tiếp kho hàng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dùng một kho hàng thế chấp cho nhiều khoản vay ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Hậu quả là không ngân hàng nào có thể phân biệt đâu là café được thế chấp cho khoản vay của ngân hàng mình. Do đó, khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, xảy ra tình trạng tranh chấp kho hàng và ngân hàng phải cắt cử nhân viên, cho ô tô bao vây để phòng ngân hàng bạn “cướp” kho hàng.
Đây không phải vụ tranh chấp kho hàng đầu tiên. Tuy nhiên, trong trường hợp này Ngân hàng OCB dường như đã có giải pháp “thời thượng”, nhanh chóng khởi kiện và đạt được thỏa thuận hòa giải với Công ty Trường Ngân. Theo đó, vào tháng 6/2013, TAND quận 4 (TP. HCM) đã có quyết định công nhận thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân, xác định số tiền mà Trường Ngân còn nợ OCB là hơn 4,45 triệu USD, tương đương 93,25 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng được ký kết vào tháng 9/2012. Theo hợp động tín dụng, Công ty Trường Ngân thế chấp cho OCB 3.360 tấn càphê xô đủ điều kiện xuất khẩu.
Khi Trường Ngân không trả nợ, Ngân hàng OCB đã có đơn khởi kiện. Sau khi có quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án, OCB yêu cầu thi hành án, phát mãi số tài sản nêu trên để thu hồi khoản nợ nêu trên.
Được biết, khi biết tin về vụ cưỡng chế thu hồi nợ, nhiều ngân hàng đã có mặt tại hiện trường và bày tỏ sự bức xúc đối với việc thi hành án của Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An.
>> Ngân hàng kẹt trong cuộc đua xiết nợ đại gia
>> Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt