Tổ hợp dự án tháp THVN dự kiến thu lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác. Ảnh minh hoạ
Trong những ngày qua, dư luận trong nước đang quan tâm đến dự án xây dựng tháp Truyền hình ở Việt Nam với những ý kiến khác nhau. Mặc dù hiện nay, dự án đầu tư xây dựng tháp THVN đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi về quy hoạch xây dựng và đánh giá hiệu quả kinh tế từ dự án này, song trước sự quan tâm của dư luận, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp THVN cho biết:
Tháp truyền hình hay các công trình cao tầng đa năng được rất nhiều thành phố và quốc gia trong khu vực và trên thế giới chọn làm biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa và du lịch vì tính hiện đại, công năng đa dạng, mang lại nhiều tiện tích cho xã hội. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 và Quy hoạch phát triển ngành THVN đến năm 2000 và những năm sau đã xác định chủ trương xây dựng tháp truyền hình.
Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1995, Đài THVN đã triển khai các bước nghiên cứu lập dự án đầu tư theo trình tự và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện xây dựng tháp truyền hình gặp khó khăn nên chưa thực hiện được.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế, thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế, việc đầu tư xây dựng tháp truyền hình có nhiều thuận lợi và khả thi. Sau khi xem xét khả năng có thể huy động được nguồn vốn trong, ngoài nước, Đài THVN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) với diện tích 14ha, trên nguyên tắc sử dụng nguồn vốn huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương cho phép Đài THVN phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ động lựa chọn đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư dự án.
Vốn pháp định của công ty cổ phần được hình thành từ nguồn vốn của Đài THVN, vốn kinh doanh hợp pháp của SCIC và vốn góp của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư BRG. Sau khi thành lập, công ty cổ phần sẽ huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn tín dụng để thực hiện đầu tư dự án.
Nikken Sekkei Ltd là công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng tháp truyền hình (như tháp Sky Tree của Nhật Bản) và các công trình tương tự trên thế giới được lựa chọn làm đơn vị tư vấn nghiên cứu lập dự án đầu tư tháp truyền hình.
Tổ hợp dự án tháp THVN sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu của tư vấn, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí... Tháp THVN dự kiến cao 636m với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD. Dự kiến, tháp THVN sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.
Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác. Xét về hiệu quả đầu tư, đây là thời gian thu hồi vốn có tính khả thi cao đối với loại hình công trình tương tự trên thế giới.
Xác định đây là dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên trong quá trình triển khai dự án, VTV sẽ tuân thủ chặt chẽ trình tự quy định của pháp luật, tiếp thu ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và nhân dân.