Kế hoạch tăng vốn của VTB được trình cùng kế hoạch của các đơn vị thành viên thuộc VEIC nên sớm nhất cũng phải sang tháng 5, VTB mới biết câu trả lời có chấp nhận hay không từ SCIC.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, với tiềm lực của DN hiện nay và mục đích của đợt tăng vốn khá rõ ràng, nên khả năng SCIC đồng ý với kế hoạch của DN này là rất cao. Vấn đề cần cân nhắc nếu có là SCIC sẽ đầu tư tiếp thông qua VEIC để vẫn giữ tỷ lệ sở hữu 56% vốn điều lệ ở VTB hay chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước sau khi DN tăng vốn?
Nếu được SCIC thông qua chủ trương, VTB sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường xin thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ phát hành cổ phiếu mới dự kiến là 30 tỷ đồng, cộng thêm khoản tiền mặt hơn 64 tỷ đồng hiện có, VTB sẽ dành để triển khai đầu tư kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, ông Sơn phân tích, với số vốn này, VTB không thể tự đầu tư dự án khu phức hợp ở số 6 Phạm Văn Hai, vì dự án có tổng vốn đầu tư lên hơn 900 tỷ đồng và ước tính hơn 10 năm mới hoàn vốn. DN này cũng đã thử tìm đối tác liên doanh đầu tư dự án, nhưng các đối tác đều thoái lui.
Theo lãnh đạo VTB, do thị trường BĐS trầm lắng, lãi suất tăng cao, nên DN này đã có những thay đổi trong định hướng đầu tư BĐS, đó là chỉ đầu tư những dự án quy mô nhỏ. Cụ thể là không mua luôn đất mà chỉ thuê đất theo từng năm, các dự án BĐS đầu tư cũng chỉ ở quy mô vài chục tỷ đồng… Được biết, từ đầu năm đến nay, VTB vẫn chưa thể khởi công dự án BĐS nào.
Hơn một tuần trước đây, VTB đã đưa kế hoạch xin tăng vốn điều lệ vào chương trình ĐHCĐ, nhưng nội dung này đã không được đề cập tại đại hội với lý do cổ đông nhà nước chưa có ý kiến chính thức.