VSD: Năm 2018 sẽ có thêm nhiều dịch vụ mới tiếp sức cho các quỹ
Hình thái quỹ mở xuất hiện trên TTCK Việt Nam bắt đầu từ năm 2012 được phát triển bởi 6 công ty quản lý quỹ tiên phong là SSIAM, VCBF, BVF, VinaCapital, MB Capital, TCBF và VFM.
Trong năm này, tổng giá trị tài sản ròng các quỹ mở quản lý mới đạt khoảng 1.170 tỷ đồng và chưa có nhiều nhà đầu tư biết sử dụng công cụ quỹ mở để tìm kiếm cơ hội sinh lợi. Trên thị trường dịch vụ đại lý chuyển nhượng quỹ có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, như Ngân hàng HSBC, Deutsche Bank… cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ.
Nhiều công ty quản lý quỹ thời kỳ đầu đã sử dụng dịch vụ của các tổ chức nói trên, với chi phí dịch vụ theo biểu giá quốc tế. Cuối năm 2014, VSD tham gia thị trường cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho các quỹ với giá cạnh tranh, đã giúp nhiều công ty quản lý quỹ tiết giảm chi phí, từ đó, có thêm cơ hội đứng vững và mở rộng hoạt động trong ngành.
Trong cuộc Hội nghị với các quỹ ngày 10/11 vừa qua, ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán, VSD cho biết, hiện tại VSD đang cung cấp dịch vụ cho 20 trong tổng số 22 quỹ mở đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm 90% thị phần mảng dịch vụ này.
Mặc dù số lượng nhà đầu tư tham gia càng nhiều và lượng giao dịch ngày càng tăng cả về số lượng và giá trị, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, VSD đã thực hiện cung cấp dịch vụ quỹ an toàn, ổn định và được các công ty quản lý quỹ tín nhiệm, vị thế của VSD trong các hoạt động có liên quan đến dịch vụ quỹ ngày càng được khẳng định.
Cùng với nỗ lực của VSD, các quỹ cũng có nhiều nỗ lực cải tiến hoạt động, kết quả là số nhà đầu tư sử dụng quỹ mở ngày càng tăng, giá trị tài sản ròng các quỹ mở quản lý cũng tăng mạnh (xem bảng).
Đà khởi sắc của TTCK từ đầu năm đến nay (VN-Index tăng 25%, HNX-Index tăng 35%, vốn hóa thị trường đạt khoảng 125 tỷ USD - PV), triển vọng của ngành công nghiệp quản lý quỹ đang trở nên ngày càng rõ ràng.
Về phía VSD, từ đầu năm 2017 đến nay đã ký thêm 6 hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các quỹ mở của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Vina Capital, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng công thương Việt Nam, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sao Vàng, Công ty TNHH Quản lý quỹ IPA.
Bên cạnh loại hình quỹ mở, Việt Nam đang phát triển 2 quỹ ETF (SSIAM và VFM đang quản lý). Sản phẩm này dù còn mới mẻ với nhà đầu tư, nhưng kể từ đầu năm đến nay đã ghi nhận giá trị giao dịch tăng mạnh (846 tỷ đồng so với 227 tỷ của năm 2016), vừa mở ra cơ hội cho ngành quản lý quỹ cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó có VSD.
Theo ông Minh, TTCK khởi sắc, các quỹ nội địa phát triển nhanh đi liền với sự gia tăng về yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh các chức năng trên hệ thống cung cấp dịch vụ của VSD.
Trong khi đó, do thiết kế ban đầu với tính chất quy mô nhỏ, nhiều chức năng VSD không thể bổ sung hoặc chỉnh sửa trên hệ thống, nên tổ chức này đã thực hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống phần mền mới, cho phép VSD cung cấp đa dạng các dịch vụ cho ngành công nghiệp quản lý quỹ, dự kiến bắt đầu từ năm 2018 tới đây.
Chuẩn bị cho loại hình quỹ mới: Quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung
Tính đến nay, TTCK Việt Nam đã có sự góp mặt khá đa dạng của các loại hình quỹ đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản…
Trong tương lai gần, sản phẩm mới được nhiều công ty quản lý quỹ quan tâm vì đánh giá rất có triển vọng phát triển là quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung. Sở dĩ loại quỹ này rất có triển vọng phát triển là bởi Việt Nam ngày càng có nhiều DN trong nhiều ngành nghề lớn mạnh, quan tâm đặc biệt đến chế độ an sinh của người lao động.
Ngày càng nhiều DN nhận ra rằng, giá trị lớn nhất chính là nguồn nhân lực, nên có nhu cầu tìm đến những công cụ mới nhằm giữ chân người lao động gắn bó và toàn tâm làm việc tại DN. Làm thế nào để quỹ hưu trí tự nguyện ra đời, đáp ứng nhu cầu của DN và góp sức cải thiện chế độ cho những người lao động giỏi, là câu chuyện thời sự của nhà quản lý và ngành quỹ.
Chia sẻ tại Hội nghị của VSD, đại diện Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, OECD và Ngân hàng Phát triển châu Á chỉ ra rằng, hệ thống hưu trí tại phần lớn các nước trên thế giới được thiết kế theo 3 trụ cột.
Thứ nhất là hưu trí bắt buộc, theo đó tất cả người lao động và doanh nghiệp có hợp đồng lao động bắt buộc tham gia đóng góp vào quỹ. Trụ cột hai là hưu trí bổ sung bắt buộc, theo đó các đối tượng tham gia trụ cột 1 cũng bắt buộc đóng góp vào trụ cột 2. Trụ cột ba là hưu trí tự nguyện. Chế độ thu/chi của quỹ được xác định theo mức đóng góp.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Quyết định số 141/QĐ-TTg cho phép triển khai đồng thời sản phẩm bảo hiểm hưu trí theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Nghị định 88/2016/NĐ-CP do Bộ Tài chính xây dựng, được Thủ tướng ban hành năm 2016 đã cụ thể hóa khung pháp lý cho Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, trong đó VSD có 2 vai trò: là ngân hàng lưu ký theo quy định của Luật Chứng khoán và là tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân.
Chia sẻ những bước chuẩn bị cho tương lai quỹ mới, ông Minh cho biết, hệ thống cung cấp dịch vụ quỹ mới mà VSD vận hành vào năm 2018 sẽ cung cấp các dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, đồng thời bổ sung nhiều dịch mới cho các quỹ. Theo lộ trình, tháng 4/2018, VSD sẽ nâng cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng quỹ theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên; tháng 7/2018, cung cấp dịch vụ cho quỹ hưu trí và tháng 12/2018 sẽ cung cấp dịch vụ quản trị quỹ.
Hội nghị của VSD 2017 có sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, công ty chứng khoán và đại diện các vụ chức năng của Bộ Tài chính, UBCK. Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VSD tham gia chỉ đạo Hội nghị cho thấy sự quan tâm của Ban lãnh đạo VSD đối với mảng dịch vụ ngày càng quan trọng này.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD kỳ vọng, các công ty quản lý quỹ sẽ hợp tác và nỗ lực phát triển các hình thái quỹ đầu tư đã được pháp luật cho phép, để TTCK Việt Nam nâng dần tỷ trọng nhà đầu tư chuyên nghiệp, giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Đây cũng là mục tiêu Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 mà ngành chứng khoán cần hợp sức để thực thi.