Là một nhà đầu tư, tôi hiện có hai tài khoản tiền gửi tại BIDV, một tài khoản để công ty nơi tôi làm việc trả lương và một tài khoản BIDV@Securities để giao dịch chứng khoán.
Nếu như tiền để trong tài khoản lương thì tôi có thể rút ngay lập tức, còn tiền để trong tài khoản chứng khoán phải đợi 1 giờ mới có thể rút, do hệ thống của ngân hàng không kết nối hai tài khoản.
Mặt khác, tôi được biết, nếu nhà đầu tư để tiền ở CTCK, thì có thể yêu cầu CTCK thực hiện chuyển tiền đến bất kỳ tài khoản nào, còn để tiền ở ngân hàng lại gặp những rào cản nhất định. Chưa kể, không phải chi nhánh ngân hàng nào cũng có thể mở tài khoản tiền gửi thanh toán, mà chỉ có một vài chi nhánh lớn mới thực hiện được.
Một số ý kiến đã giải thích rằng, các ngân hàng xếp tài khoản tiền gửi thanh toán chứng khoán vào dạng có rủi ro cao, nên khi thực hiện rút tiền sẽ phải trải qua nhiều thủ tục kiểm tra, chưa kể hệ thống quản lý tài khoản này được xây dựng thêm, thường tách biệt với hệ thống của ngân hàng. Việc thực hiện cách kết nối hỏi - đáp cũng có nhiều hạn chế, khi số lượng tài khoản truy xuất lớn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ. Việc hạch toán số liệu cuối ngày, thực hiện phong tỏa/giải tỏa tài khoản cho NĐT trong ngày khá phức tạp và khi có lỗi sẽ rất mất thời gian chỉnh sửa.
Ngoài ra, một số ngân hàng lớn không chú trọng đến mảng dịch vụ này. Bởi thực tế, món lợi từ việc quản lý tiền của NĐT chứng khoán là không lớn so với các mảng khác của ngân hàng. Các NĐT lớn cũng thường không để tiền ở tài khoản ngân hàng mà chuyển về CTCK quản lý, do họ hay sử dụng các dịch vụ đòn bẩy, có thể nhờ CTCK chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản. Như vậy họ cũng được CTCK hỗ trợ nhiều hơn trọng các dịch vụ tăng thêm tiền ảo, tăng hạn mức... Do CTCK có thể hưởng lợi từ việc sử dụng tiền nhàn rỗi của NĐT, họ cũng thuận lợi hơn trong việc giảm mức phí, giảm lãi vay cho các NĐT lớn.
Trong khi đó, nếu tiền thanh toán chứng khoán nằm tại ngân hàng thì mọi chuyện lại khá phức tạp khi mà quá trình thanh toán phát sinh nhiều thủ tục kéo dài. Chính vì vậy, nhiều CTCK hiện nay vẫn duy trì tài khoản tổng để phục vụ các NĐT lớn.
Chính vì những lý do trên, ý tưởng tách bạch buộc CTCK tận chân tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán sẽ khó có thể thực hiện trọn vẹn và nhận được sự đồng thuận của các CTCK và nhà đầu tư. Tôi cho rằng, để thực sự bảo vệ an toàn tài sản nhà đầu tư, cơ quan quản lý, mà cụ thể là UBCK, Bộ Tài chính nên tính đến một cách làm khác. Theo dõi báo chí tôi thấy, ý tưởng Trung tâm Lưu ký (VSD) thực hiện quản lý tiền của NĐT sẽ là một giải pháp rất hay và triệt để. Khi đó, CTCK sẽ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thậm chí, không cần đầu tư nhiều về công nghệ, tiết kiệm được chi phí do chỉ cần kết nối với VSD, còn VSD sẽ quản lý cả tiền và chứng khoán của NĐT, kết nối với Sở GDCK và ngân hàng.