VSC: Câu hỏi ngỏ về ý tưởng lớn

VSC: Câu hỏi ngỏ về ý tưởng lớn

(ĐTCK-online) ĐHCĐ thường niên của CTCP Container Việt Nam (VSC) tuy không “nóng” như một số công ty khác, nhưng cũng không phải yên bình khi nhiều vấn đề của Công ty bị các cổ đông chất vấn, đặc biệt là vấn đề đầu tư và chiến lược phát triển của Công ty.

Theo báo cáo của HĐQT VSC, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2010 của Công ty có mức tăng trưởng cao. Trong đó, doanh thu đạt 548 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 212 tỷ đồng; EPS đạt 15.101 đồng, tăng 16% so với năm 2009; trả cổ tức 40% bằng tiền mặt. Trong cơ cấu doanh thu năm 2010 của VSC, 70% là từ khai thác cảng Greenport. Tuy nhiên, mảng kinh doanh vận tải biển của Công ty lại lỗ 10 tỷ đồng từ việc kinh doanh tàu chở container Green Star 01 (được mua từ năm 2009 với khoản đầu tư 2,8 triệu USD). Hiện nay, VSC đã bán tàu này và cũng bỏ kế hoạch mua thêm tàu container số 2 như đã thông qua trong ĐHCĐ năm 2010. Đồng thời, rút vốn tại CTCP Logistics tương lai Việt Nam (VSC góp 8,1 tỷ đồng) do đầu tư dự án kho bãi tại Hưng Yên không hiệu quả.

Năm 2011, VSC đặt chỉ tiêu doanh thu 480 tỷ đồng, lợi nhuận 185 tỷ đồng, cổ tức từ 25-40%, trong đó, Công ty sẽ sử dụng khoảng zoom cổ tức 15% để vốn đầu tư khi có thời cơ. Trước đó, các cổ đông đã phản đối mức cổ tức 25-35% mà HĐQT đề xuất vì cho rằng đặt mục tiêu quá thấp sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của cổ phiếu VSC, đồng thời giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Việc Công ty đặt chỉ tiêu năm nay thấp hơn thực hiên của năm trước bị các cổ đông thắc mắc và yêu cầu HĐQT giải thích. Ông Nguyễn Việt Hòa, Chủ tịch HĐQT VSC cho biết, việc đặt chỉ tiêu doanh thu thấp hơn so với mức thực hiện năm 2010 là do không còn doanh thu từ việc kinh doanh tàu Green Star 01. Còn về lợi nhuận, ông Hòa cho biết, mức lợi nhuận khoảng 190 tỷ đồng là trong tầm tay khi Công ty không còn khoản lỗ từ kinh doanh vận tải, đồng thời sẽ có khoản thu 20 tỷ đồng từ việc bán bất động sản tại Đà Nẵng.

Việc VSC mua 25% cổ phần của công ty cảng thuộc khu vực Cảng Đình Vũ (Hải Phòng), trong khi cảng này kinh doanh không hiệu quả cũng là vấn đề được nhiều cổ đông chất vấn. Theo ông Hoà, tuy hiện nay cảng này kinh doanh không hiệu quả, nhưng cảng này có nhiều lợi thế, trong khi VSC có vốn, công nghệ, kinh nghiệm và sẽ hỗ trợ cho việc phát triển của cảng này. Hơn nữa, với việc đối tác chính tăng cường các chuyến tàu cập Cảng Greenport, khiến cảng có khả năng sẽ quá tải, vì vậy, đầu tư vào cảng mới để hỗ trợ cho cảng Greenport, đảm bảo uy tín và lợi nhuận hiện tại của cảng này, đồng thời có thêm nguồn thu.

Trong chiến lược phát triển của mình, VSC đặt mục tiêu trở thành công ty Logistics tầm cỡ quốc tế vào năm 2014. Thực hiện mục tiêu đó, VSC đưa ra lộ trình đầu tư khá tham vọng. Cụ thể, năm 2011, đầu tư 250 tỷ đồng để mua đất ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, trong đó, đầu tư 100 tỷ đồng mua 10 héc-ta đất tại Đà Nẵng để xây dựng trung tâm logistic; đẩy mạnh phát triển công ty thành viên, đào tạo nhân sự cấp cao, thuê chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm làm Logistic. Năm 2012, sẽ hình thành trung tâm logistics tại khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Đồng thời, sẽ góp vốn liên doanh với các hãng tàu lớn của nước ngoài... Bên cạnh đó, VSC cũng đang xúc tiến đầu tư vào 2 cầu ở cảng nước sâu Lạch Huyện và có ý định mua 10 triệu cổ phần của cảng Cái Lân...

Các cổ đông đánh giá, việc giảm kinh doanh vận tải, bỏ vận tải biển và tập trung khai thác dịch vụ cảng biển và logistic là định hướng đúng. Tuy nhiên, các cổ đông cũng lo ngại, liệu Công ty có đủ nguồn lực để thực hiện ý tưởng lớn kia không?

Theo lãnh đạo VSC, tổng số tiền để hiện thực hoá kế hoạch trên là khoảng 14 triệu USD, chủ yếu là vốn tự có trích từ quỹ đầu tư phát triển và huy động thêm.

Được biết, hiện VSC có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển vừa được bổ sung thêm 94 tỷ đồng trích từ lợi nhuận năm 2010. Trong khi đó, Công ty cũng có kế hoạch chi hơn 105 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng, kho bãi hiện có.