Tại Campuchia, VRG đã đưa vào khai thác ban đầu 367 héc-ta cao su và chuẩn bị khai thác đại trà trên các vùng dự án

Tại Campuchia, VRG đã đưa vào khai thác ban đầu 367 héc-ta cao su và chuẩn bị khai thác đại trà trên các vùng dự án

VRG ngồi trên lửa với cây cao su tại Campuchia

(ĐTCK) Đầu tư ra nước ngoài đương nhiên là phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. Nhưng đôi khi, những mối ràng buộc, đặc biệt là quy định pháp luật thay đổi khiến doanh nghiệp trở đi trở lại đều vướng và lựa chọn giải pháp nào là quyết định khó khăn.

Quy định pháp luật của Campuchia về đất đai thay đổi

Tầm chục năm nay, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) bắt đầu triển khai các dự án trồng cao su ở nước ngoài, đặc biệt là Lào, Campuchia.

Riêng tại Campuchia, hiện VRG đã đưa vào khai thác ban đầu 367 ha và đang chuẩn bị tập trung chuẩn bị cho công tác khai thác đại trà trên các vùng dự án. Để phục vụ công tác khai thác, VRG đầu tư hoàn chỉnh 2 nhà máy chế biến với tổng công suất  8.000 tấn/năm và đã chính thức đưa vào vận hành cuối năm 2015.

Mùa hái quả đã đến nhưng hiện VRG đang đau đầu giải quyết vướng mắc khi pháp luật quy định của Campuchia về đất đai thay đổi. Điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả dự án và gây khó khăn cho việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn đầu tư tiếp cho giai đoạn khai thác.

“Trong khi cây cao su đã đạt độ tuổi để khai thác mủ thì vấn đề vốn vẫn dậm chân tại chỗ” – Oknha LengRithy, Trưởng Văn phòng đại diện VRG tại Campuchia cho biết.

Oknha LengRithy cho biết trong giai đoạn trước đây, để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Campuchia cấp đất tô nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn 90 năm. Sau đó, do áp lực chính trị trong nước, Chính phủ Campuchia đã điều chỉnh giảm thời gian cấp đất tô nhượng kinh tế cho các doanh nghiệp trồng cao su và các cây công nghiệp. Từ 90 năm xuống còn 70 năm và mới đây nhất là 50 năm.

Bên cạnh đó, vào tháng 5/2012, Thủ tướng chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ban hành Sắc lệnh 01/Bo Bo về việc củng cố và tăng cường quản lý đất tô nhượng kinh tế. Sắc lệnh này yêu cầu tạm ngưng cấp mới, rà soát việc tuân thủ của các hợp đồng tô nhượng đã được cấp, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết của hợp đồng sẽ bị thu hồi dự án.

Quan trọng hơn là sắc lệnh này buộc các hợp đồng đã được cấp trước đó phải thực hiện theo chủ trương, chính sách hiện hành. Tức là các hợp đồng tô nhượng đã được ký trước với thời hạn cấp đất 90 năm, 70 năm nay sẽ phải ký lại với thời hạn 50 năm.

Đây là quy định không phù hợp với thông lệ xây dựng luật pháp nói chung mà các nước đều áp dụng - nguyên tắc bất hồi tố - theo đó một quy định của luật pháp chỉ có giá trị áp dụng kể từ ngày quy định đó được ban hành.

Điều này dẫn đến bài toán khó cho VRG, thông thường cây cao su cho mủ trong thời gian khoảng 25 năm. Mất khoảng 6 – 7 năm trồng ban đầu trước khi cây có thể khai thác lấy mủ. Như vậy, để khai thác được 2 mùa mủ đòi hỏi đất dự án có thời hạn trên 50 năm. Nếu chỉ cấp đất với thời hạn 50 năm thì dự án sẽ hết hạn khi đang vào giữa mùa khai thác mủ thứ hai, thời điểm sản lượng cao su cao nhất. Điều này gây thiệt thòi lớn cho VRG.

Chính vì vậy, trong thời gian qua VRG liên tục đề nghị cơ quan quản lý của Campuchia xem xét và giữ nguyên thời hạn cấp đất cho các hợp đồng tô nhượng kinh tế được ký trước khi Sắc lệnh 01/Bo Bo có hiệu lực. Với các hợp đồng tô nhượng ký mới, thời hạn cấp đất sẽ là 50 năm như quy định hiện hành của Campuchia.

Tuy nhiên, việc này đã kéo dài mà chưa có được kết quả như mong đợi. Cho đến nay, Chính phủ Campuchia chưa chấp thuận kiến nghị từ phía VRG. Do đó, VRG chưa thể thực hiện việc ký lại hợp đồng tô nhượng để được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cây không chờ người

Vấn đề là khi cây cao su đã qua giai đoạn trồng mới và bước vào thời kỳ khai thác,  các công ty của VRG tại Campuchia cần có vốn để triển khai tiếp. Nhưng thiếu “sổ vàng” –Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Chính phủ Campuchia cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có màu vàng - dẫn đến hồ sơ vay vốn bị ách tắc.

Trao đổi với Đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Chư sê – Kampong Thom cho biết Công ty là đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trong số 15 đơn vị thành viên của VRG tại Campuchia, với hơn 16.000 ha chia đều cho 8 lâm trường. Việc trồng mới đã kết thúc từ năm 2014 và hiện Công ty đang ráo riết chuẩn bị thí điểm mở cạo, đưa vào khai thác thí điểm khoảng 250 ha, chuẩn bị cho khai thác đại trà vào năm 2017, khoảng 2.000 – 3.000 ha với công suất 2.500 tấn/năm.

“Để bước vào khai thác đại trà, Công ty cần thêm vốn nhưng do vốn chủ sở hữu còn hạn chế nên buộc phải sử dụng nguồn vốn vay. Chúng tôi được biết Tập đoàn đã làm việc với Agribank, giữa hai bên đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược và hồ sơ vay vốn của các đơn vị cơ bản đã hoàn thiện, chỉ thiếu duy nhất thủ tục về tài sản đảm bảo” – ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Như vậy, trước giai đoạn khai thác đại trà không thể trì hoãn, hoặc là VRG phải kết thúc được việc đàm phán hợp đồng tô nhượng – việc sớm muộn cũng phải làm và không thể kéo dài mãi, để hoàn tất thủ tục tài sản, hồ sơ vay vốn, hoặc phía ngân hàng nhượng bộ về thủ tục thế chấp tài sản. Một giải pháp thứ 3 là tìm ngân hàng khác.

Được biết, quy định pháp luật về tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp khi vay vốn của Campuchia đơn giản hơn Việt Nam. Do đó, nếu vay vốn tại ngân hàng khác, yêu cầu hồ sơ vay vốn sẽ dễ dàng hơn. Trong khi đó, Agribank – chi nhánh Campuchia dù hoạt động tại Campuchia nhưng vẫn phải tuân thủ quy trình, quy chế của ngân hàng mẹ nhằm đảm bảo an toàn. Điều này dẫn đến các thủ tục thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn, chặt chẽ hơn so với nhiều ngân hàng khác.

Nhưng riêng với lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, các ngân hàng Campuchia thường thích dự án bất động sản hơn là dự án nông nghiệp, do rủi ro cao, phụ thuộc vào thời tiết. Bởi vậy, dù thủ tục, hồ sơ vay vốn của ngân hàng khác có thể dễ hơn nhưng với đặc thù dự án nông nghiệp, chưa chắc các ngân hàng khác đã mặn mà.

Đại diện Agribank – chi nhánh Campuchia cho biết, chi nhánh là một trong số ít ngân hàng tại Campuchia đặc biệt chú trọng về cung cấp tài chính cho các dự án nông nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. Được biết, trong 5 năm hoạt động tại Capuchia kể từ khi thành lập, chi nhánh đã tích cực hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, trồng cây cao su, chăn nuôi, giao thông, phân phối điện, thu mua nguyên liệu nông nghiệp xuất khẩu...

Hơn nữa, việc vay vốn từ ngân hàng “nhà” sẽ dễ dàng cho các bên trao đổi, thương lượng, thậm chí thêm một kênh kiểm soát việc hoạt động, kinh doanh, sử dụng đồng vốn của các công ty tại Campuchia. Ngoài ra, ngân hàng còn có lợi ích trong việc quản lý dòng ngoại hối lớn, khi sản lượng dự kiến 200.000 tấn/năm đem lại nguồn ngoại hối lên tới 400 triệu USD.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng rất khó có cơ hội cho VRG đạt được kết quả đàm phán đất tô nhượng như mong muốn, giữ nguyên thời hạn 90, 70 năm cho các hợp đồng đã ký và ký mới với thời hạn 50 năm. Bởi lẽ nếu chấp nhận kiến nghị của VRG, Chính phủ Campuchia sẽ đối mặt với hàng loạt các đề nghị tương tự từ những chủ đầu tư khác. Tốt hơn cả đàm phán về nội dung, điều khoản đảm bảo sau khi dự án hết hạn 50 năm, Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục cấp phép dự án cho VRG trên diện tích ít nhất là như cũ.

Năm 2016 đã bước vào nửa cuối năm. Còn lại nửa năm để cả doanh nghiệp và ngân hàng cân nhắc lợi hại và có giải pháp hợp lý khơi nguồn tài chính cho dự án trước khi bắt đầu khai thác đại trà trong năm tới.

Từ năm 2005, Agribank đã mở Văn phòng đại diện tại Phnômpênh. Đến năm 2010, Agribank khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô Phnômpênh và triển khai các nghiệp vụ như cấp tín dụng nội và ngoại tệ; cung cấp dịch vụ hối đoái; thanh toán và ngân quỹ và các dịch vụ tư vấn tài chính, tiền tệ...

Một số món vay điển hình của Agribank dành cho doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia như: Cho Viettel Cambodia Ltd., vay số tiền 20 triệu USD để đầu tư, phát triển hệ thống viễn thông rộng khắp Vương quốc Campuchia. Agribank Campuchia cho vay vốn các công ty cao su thuộc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư tại Campuchia. Cho các doanh nghiệp, cá nhân Campuchia vay vốn sản xuất, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng...

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2016, Agribank Campuchia đạt dư nợ tín dụng là gần 22 triệu USD tăng 30,44%  so cùng kỳ. Vốn huy động đạt gần 2 triệu USD. Trong năm 2016, chi nhánh đặt kế hoạch vốn huy động 5 triệu USD; tăng 46,37% so với năm 2015; dư nợ đạt 24 triệu USD, tăng trưởng 14,53% so với năm 2015.

Tin bài liên quan