VPBank tiếp tục tăng trưởng tốt tại các khối chiến lược

VPBank tiếp tục tăng trưởng tốt tại các khối chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc tăng trưởng tốt tập trung ở hai khối trọng tâm của ngân hàng, VPBank tiếp tục cho thấy chiến lược thận trọng và chặt chẽ hơn trong kiểm soát rủi ro đã thực sự phát huy hiệu quả.

Số liệu kinh doanh tại một số ngân hàng lớn bước đầu cho thấy khác biệt từ kết quả của một số thành viên, tập trung ở hai điểm chính: tăng trưởng tín dụng và ứng xử với nợ xấu.

Với số liệu kinh doanh dự kiến của 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) góp thêm vào khác biệt đó.

Tập trung tăng trưởng tại các lĩnh vực giúp phục hồi nền kinh tế

Số liệu của Tổng cục Thống kê cập nhật đến ngày 21/6 đã cho thấy khác biệt: Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt tới 5,47%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng này đặt trong bối cảnh cả quý II chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng. Như vậy, sự “đứt gãy” của tăng trưởng tín dụng đã không thể hiện như quý II/2020 - quý cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch.

Tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 đạt 23.098 tỷ đồng, tăng tới 22,5% so cùng kỳ năm trước và nếu tính riêng quý II thì mức tăng trưởng đạt tới 34,6% so cùng kỳ. Điều này một phần phản ánh động lực tăng trưởng tại VPBank không dựa quá nhiều vào tín dụng, mà có sự gia tăng ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.

Thu nhập lãi thuần tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đóng góp lớn từ việc giảm chi phí vốn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đã tăng tới 50% so với cùng kỳ 2020, nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đã tăng 1,6 lần so với nửa đầu năm 2020, nhờ linh hoạt tận dụng các yếu tố thuận lợi của thị trường.

Cơ cấu tín dụng của VPBank tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang các phân khúc hiệu quả để đóng góp tốt hơn cho doanh thu. Điều này thể hiện rõ khi tại ngân hàng riêng lẻ tăng trưởng tín dụng tập trung ở hai phân khúc chiến lược: khối khách hàng cá nhân (RB) tăng 17% và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng tới 21%.

Doanh số giải ngân của RB và SME trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 60,3% và 52,5%. Với phân khúc RB, các sản phẩm cho vay thế chấp đạt mức tăng trưởng tốt trên 30% so với cuối năm 2020 có thể kể đến là vay mua ô tô, vay kinh doanh…

Với phân khúc SME, các ngành nghề ưu tiên như năng lượng sạch, xuất nhập khẩu có dư nợ tăng trưởng tới 68% so với cùng kỳ, đóng góp gần 20% vào dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ, cho thấy VPBank tập trung ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực giúp phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.

Chỉ tính riêng hai khối này đã đóng góp tới 57% vào tổng dư nợ của ngân hàng mẹ.

Lực đẩy mới, vị thế mới

Mức độ tăng trưởng tín dụng VPBank 6 tháng đầu năm không đẩy cao như một số ngân hàng thương mại khác, phản ánh sự thận trọng trước môi trường bộc lộ rủi ro khi dịch Covid-19 trở lại diễn biến phức tạp.

Sự thận trọng đó cũng thể hiện rõ ở chi phí dự phòng hợp nhất tăng mạnh 35% nửa đầu năm nay. Nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo đó được nâng cao hơn tại VPBank, khi chỉ tiêu này năm ngoái chỉ tăng 15,2%.

Trước tác động bất lợi hơn một năm qua của đại dịch, nợ xấu vẫn là chỉ tiêu được kiểm soát chặt chẽ tại VPBank, đặc biệt là công tác thu hồi nợ. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt 1.374 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Mức thu nhập này tại FE Credit cũng tăng tới gần 51% và đạt 657 tỷ đồng.

Ngày 28/4 vừa qua, thị trường đã chứng kiến thỏa thuận của một thương vụ kỷ lục. Gần 1,4 tỷ USD thỏa thuận đạt được qua việc bán 49% cổ phần FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) mang lại khoản thặng dư lớn, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của VPBank. Ngân hàng này dự kiến sẽ sớm cụ thể hóa giá trị đó bằng kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu ở mức khoảng 90.000 tỷ đồng, lên vị thế là một trong các thành viên có quy mô vốn lớn nhất hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngày hôm nay (15/7), VPBank cũng đã xin ý kiến cổ đông về phương án chia cổ tức cho cổ đông hiệu hữu bằng cổ phiếu với mức khoảng 80% và tăng vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng lên hơn 45.000 tỷ đồng.

Bên cạnh lợi thế để được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới chỉ tiêu tín dụng, lực đẩy lớn và mới cho triển vọng tăng trưởng toàn diện tại VPBank cũng đã được định hình một cách rõ ràng.

Tin bài liên quan