CMCN 4.0: Định hình lại mô hình kinh doanh các ngân hàng
CMCN 4.0 thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao được nhìn nhận sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu và điều này cũng tương ứng với các lĩnh vực.
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, CMCN 4.0 được đánh giá sẽ làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Thực tế cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp và tương tác, đi cùng với đó là sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng.
Kênh bán hàng qua Internet, Mobile banking, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số và giao dịch tự động sẽ là xu thế phát triển mạnh. Trải nghiệm của khách hàng là điều được đề cập đến thường xuyên và sẽ là xu hướng vượt trội, ở một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng.
Việc áp dụng các nguyên tắc của CMCN 4.0, các vấn đề như giao diện lập trình ứng dụng (API), phân phối liền mạch hay phân tích thông minh (intelligence analytics) sẽ là những ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các ngân hàng.
Ngoài ra, dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số, khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định.
Nghiên cứu của các nhà phân tích cho biết, những tiến bộ công nghệ của CMCN 4.0 cho phép giảm chi phí trong giao dịch. Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan tới tái tạo và lưu chuyển nội dung số, chi phí cận biên có thể nói là tiệm cận 0, khiến lợi nhuận tăng theo quy mô trở thành hiện thực.
Trong tháng 11/2016, số lượng giao dịch tài chính qua các kênh số hóa của VPBank đã lần đầu tiên vượt qua số lượng giao dịch tại quầy
Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt quan trọng đó là an ninh mạng trong hoạt động ngân hàng do sự phát triển của hạ tầng viễn thông đặt ra những thách thức mới về bảo mật.
Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây (cloud-computing), những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc (hackers).
Điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và riêng tư trong thông tin của khách hàng và có cách thức phòng thủ mới để bảo đảm an toàn bảo mật mạng.
Hay như thách thức cho các ngân hàng trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số.
Cần thiết phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao bên cạnh xu hướng giảm dần vai trò của các chi nhánh. Trong khi đó, một số nhà băng hạn chế về nguồn lực tài chính trong đầu tư công nghệ, thiếu trung tâm dữ liệu dự phòng, cũng như những khó khăn về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin.
Dẫu vậy, có thể khẳng định, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nếu nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới.
Ảnh hưởng của CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet di động, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, vạn vật kết nối (IoT), sẽ giúp các ngân hàng trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
VPBank Nhanh chóng nắm bắt xu thế
Những thách thức và cơ hội của CMCN 4.0 buộc các ngân hàng phải nhanh chóng đổi mới, tiếp tục thích ứng với những thay đổi; thay đổi văn hóa kinh doanh; nghiên cứu xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín; khẳng định vị trí quan trọng của ngân hàng trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng để tồn tại và phát triển bền vững…
Và VPBank là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thay đổi. Ví dụ, số hóa ngân hàng là một chiến lược quan trọng của VPBank, thể hiện tầm nhìn của Ban lãnh đạo Ngân hàng đối với tương lai của ngành ngân hàng và sự thay đổi trong hành vi khách hàng.
Khách hàng VPBank được cung cấp dịch vụ số hoá phong phú nhất ngành ngân hàng Việt Nam, bao gồm hầu hết các dịch vụ tài chính trực tuyến: chuyển khoản, thanh toán (hơn 300 loại hóa đơn), gửi tiết kiệm, vay, mở thẻ tín dụng...
Việc thành lập một khối riêng tập trung số hóa Ngân hàng khẳng định sự tiên phong của VPBank trong lĩnh vực này. Đây là nền tảng quan trọng giúp Ngân hàng chuyển đổi mạnh mẽ, hướng tới tầm nhìn trở thành ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng khách hàng và hiệu quả hoạt động. Để hiện thực hóa điều này, trong năm qua, VPBank đã thực hiện các bước đi chiến lược sau:
(1) Thành lập “Digital Lab” - một mô hình tiên tiến dưới sự tư vấn của McKinsey, bao gồm nhân viên từ nhiều phòng ban khác nhau, để ươm mầm và phát triển các trải nghiệm số hóa cho khách hàng; Thiết kế lại các quy trình của VPBank theo hướng tự động và số hóa; Số hóa các kênh phục vụ khách hàng. Với chiến lược này, việc đăng ký dịch vụ sẽ được triển khai trên Internet và khách hàng cũng có thể tự thực hiện một số giao dịch mà trước đây phải tới chi nhánh.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh số hóa các sản phẩm, quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng qua máy tính và thiết bị di động. Khách hàng VPBank được cung cấp dịch vụ số hoá phong phú nhất ngành ngân hàng Việt Nam, bao gồm hầu hết các dịch vụ tài chính trực tuyến: Chuyển khoản, thanh toán (hơn 300 loại hóa đơn), gửi tiết kiệm, vay, mở thẻ tín dụng.
(3) Năm 2016, VPBank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường đã số hóa thành công các sản phẩm thấu chi khách hàng trả lương, thấu chi trên tài khoản thanh toán (Sm@rt OD), thẻ tín dụng phê duyệt trước và thẻ tín dụng Timo. Việc hợp tác với các công ty Fintech, đặc biệt là Timo, đã cho ra đời các dịch vụ tài chính khác biệt, tạo ra làn gió mới trong ngành ngân hàng về những dịch vụ hiện đại, thuận tiện cho khách hàng.
Với các nỗ lực đồng bộ này, VPBank đã tăng số người dùng các kênh số hóa 260% so với năm 2015, tăng gấp 2 lần số dư huy động trực tuyến so với 2015 và 12 lần so với 2014. Tỷ lệ giao dịch tài chính trực tuyến cũng đạt mức 33%, trong đó gần 100% số giao dịch chuyển tiền được thực hiện qua các kênh số hóa.
Trong tháng 11/2016, số lượng giao dịch tài chính qua các kênh số hóa đã lần đầu tiên vượt qua số lượng giao dịch tại quầy. Số lượng khoản vay online và mở thẻ tín dụng tăng hàng chục lần so với 2015.
Giải thưởng “Sáng kiến ngân hàng điện tử tốt nhất Việt Nam” của The Asian Banker, “Dự án e-banking tốt nhất” của IDG, và “Ứng dụng mobile banking tốt nhất Việt Nam” của Tạp chí Global Finance & Banking Review là sự vinh danh của cộng đồng và các nhà chuyên môn cho những nỗ lực phục vụ khách hàng của VPBank.
“Trong năm 2017, VPBank sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến và sáng tạo các trải nghiệm mới, khẳng định vai trò tiên phong tại lĩnh vực số hóa trong ngành ngân hàng Việt Nam”, lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.