Vốn dày mở cơ hội
Theo lãnh đạo VPBank, ngoài việc tiếp tục củng cố hai mảng chiến lược truyền thống là khách hàng cá nhân và SME, trọng tâm mới trong năm 2023 của Ngân hàng là nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, cùng nhóm khách doanh nghiệp FDI. VPBank xác định, đây là phân khúc có triển vọng tăng trưởng cao khi kinh tế phục hồi và Việt Nam tiếp tục là điểm đến tiềm năng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong quý đầu năm 2023, VPBank có bước chuyển mình lớn về quy mô vốn, với thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), giúp nâng vốn chủ sở hữu lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đưa Ngân hàng lên vị trí thứ hai về vốn chủ sở hữu trên toàn hệ thống.
Không chỉ tăng cường năng lực tài chính, mở ra cơ hội đầu tư vào các phân khúc tiềm năng, mà thỏa thuận hợp tác chiến lược với SMBC có thể giúp VPBank tiếp cận tệp khách hàng lên tới 200.000 doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia của đối tác, bên cạnh những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
Lợi thế trên là yếu tố quan trọng giúp VPBank tự tin có thể tăng quy mô số lượng khách hàng FDI lên tới hàng nghìn doanh nghiệp trong thời gian ngắn tới đây. Ngân hàng đã thành lập bộ phận “Japan desk” để phối hợp hoạt động với các chuyên gia của SMBC, nhằm tiếp cận các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng được kỳ vọng sẽ mang về cho Ngân hàng những khoản huy động khách hàng doanh nghiệp và nguồn thu từ phí vượt trội, thông qua các nghiệp vụ cho vay khách hàng doanh nghiệp và thanh toán ngoại hối.
Tự tin vào kế hoạch 2023
Dựa trên động lực tăng trưởng mới trong khi tiếp tục phát huy thế mạnh của các phân khúc chiến lược sẵn có, VPBank tự tin về các mục tiêu kinh doanh đặt ra cho năm 2023, dù lợi nhuận quý I giảm so với cùng kỳ (chủ yếu do thu nhập từ hoạt động khác giảm). Năm nay, VPBank đặt mục tiêu tín dụng đạt 636.000 tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận trước thuế đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 13%.
Kết thúc quý I/2023, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ hơn 4.100 tỷ đồng, thu nhập từ phí giữ vững xu thế gia tăng trong cơ cấu doanh thu trong nhiều quý liên tiếp, khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 44% so với cùng kỳ. Động lực chính giúp doanh thu hoạt động dịch vụ tăng cao là doanh thu từ thẻ tăng 31%, trong đó doanh số giao dịch thẻ tín dụng tăng hơn 70% và số lượng thẻ phát hành tăng hơn 46%.
Dư nợ tín dụng hợp nhất cuối quý I/2023 của VPBank đạt hơn 503.000 tỷ đồng; trong đó, ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng hơn 7% so với cuối năm 2022, động lực chính là hai phân khúc chiến lược gồm khách hàng cá nhân và SME, chiếm 60% tỷ trọng danh mục tín dụng. Trong khi đó, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng gần 12%, góp phần đảm bảo thanh khoản và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của Ngân hàng trong những tháng tới, khi nhu cầu vay vốn tăng theo nhịp phục hồi của kinh tế.
Nhờ độ phủ rộng của các phân khúc từ cá nhân tới doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, cùng chuỗi sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt “may đo” theo nhu cầu khách hàng, VPBank hiện có tệp khách hàng lên tới 26 triệu người. Riêng trong quý đầu năm 2023, Ngân hàng chào đón hơn 2 triệu khách hàng mới vào hệ sinh thái trải rộng từ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tới nền tảng công nghệ đa dịch vụ. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho Ngân hàng trong hoạt động khai thác bán chéo và tối ưu hóa nguồn thu trong thời gian tới.
Trong kỳ đánh giá mới nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3 từ lần thăng hạng giữa năm ngoái và triển vọng ổn định cho VPBank, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, Moody’s đánh giá cao thương vụ bán 15% cổ phần của VPBank cho SMBC, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên gần 19%, mức cao nhất trong các ngân hàng mà tổ chức này xếp hạng tại Việt Nam.