VPBank, khó khăn là cơ hội thu hút người tài

VPBank, khó khăn là cơ hội thu hút người tài

(ĐTCK) Thu hút người tài đã khó, giữ chân được những nhân sự này càng khó hơn.

VPBank, khó khăn là cơ hội thu hút người tài ảnh 1“Thống nhất trong đa dạng” là thách thức không nhỏ cho các lãnh đạo ngân hàng

 

Trong quá trình tái cơ cấu hoạt động, việc rà soát, cắt giảm nhân sự với mục tiêu giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả bộ máy được nhiều ngân hàng coi là mục tiêu ưu tiên. Cụ thể, ACB đã thực hiện cắt giảm 223 nhân sự trong quý I/2013. Vietinbank tiết giảm 79 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau. Eximbank cũng đã giảm 29 người, Techcombank cắt giảm 240 vị trí. Kế hoạch năm nay của Maritime Bank là cắt giảm 13,9% nhân sự, tương đương 679 người…

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn lại được một số ngân hàng coi là cơ hội “vàng” để lựa chọn, thu hút người tài. Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực VPBank cho biết, hiện nay, Ngân hàng đang đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm các hạt nhân chuyển đổi, các cán bộ chủ chốt, không những giàu kiến thức, kinh nghiệm, mà quan trọng hơn, cần có đủ tâm huyết và niềm tin vào tầm nhìn phát triển của VPBank trong giai đoạn tới.

“Những thông điệp về ‘Thương hiệu’ cũng như lộ trình phát triển sẽ được quảng bá rộng nhất, ghi dấu ấn lâu nhất thông qua đội ngũ lãnh đạo, cũng như những hạt nhân trong đội ngũ CBNV, song song đó là những đổi mới về cách thức làm việc, phục vụ khách hàng, công nghệ, đầu tư, sản phẩm và các hoạt động cộng đồng…”, bà Huyền nhấn mạnh.

Các bài học về quản trị DN đều chỉ ra rằng, nhân sự luôn là tài sản quý báu nhất. Nếu lãnh đạo DN tin tưởng và tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy khả năng, năng lực của mình, thì họ sẽ cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo. Do vậy, việc tin tưởng và “đa dạng” đội ngũ CBNV, tạo sức mạnh để vượt qua các thách thức trong giai đoạn chuyển đổi là điều mà nhiều ngân hàng đã và đang thực hiện. Nếu như trước kia, nhiều nhân sự giỏi từ các ngân hàng nội địa được “câu kéo” sang các ngân hàng ngoại và liên doanh, thì nay, một làn sóng ngược lại đang diễn ra. 

“Bên cạnh đội ngũ chuyên gia tư vấn nước ngoài, chúng tôi rất tự hào chào đón hơn 10 nhân sự người nước ngoài gia nhập và đảm nhiệm trọng trách tại những khối hoạt động lớn của VPBank như: Ban giám đốc Khối Khoa học - công nghệ, Giám đốc Khối SME, Giám đốc Khối Vận hành, Ban giám đốc Khối Quản trị rủi ro, Quản lý dự án lớn về CNTT, Thẻ, Kênh thay thế, E-banking… Họ không chỉ mang đến VPBank một bề dày kinh nghiệm cá nhân khi đã từng làm việc trong các tổ chức đa quốc gia lớn như Citi Bank, ANZ, Standard Chartered Bank, ING Bank, HSBC…, mà còn được giao những sứ mệnh quan trọng trong việc huấn luyện, “chuyển giao công nghệ” và thay đổi phong cách quản lý. Họ cũng là các chuyên gia giỏi trong việc xây dựng các nền tảng, quy trình hoạt động và kiểm soát của Ngân hàng”, bà Huyền chia sẻ.

Thực tế, tìm đúng người, trao đúng công việc phù hợp năng lực để giữ chân nhân tài luôn là thách thức của mọi tổ chức. Các khảo sát nhân sự cho thấy, chế độ đãi ngộ đơn lẻ chỉ là một công cụ rất ngắn hạn để thu hút nhân tài. Một môi trường làm việc thân thiện, nơi mà CBNV được tôn trọng, được tham gia ra quyết định trong phạm vi công việc đảm nhiệm, được huấn luyện, có cơ hội thử thách và phát triển, được trải nghiệm để thành công… là yếu tố quyết định trong việc tăng sự gắn kết của CBNV đối với tổ chức.

Bà Huyền nói: “Sức hút đầu tiên và mạnh nhất chắc chắn phải từ HĐQT và Tổng giám đốc, là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng, với một tầm nhìn chiến lược và niềm tin rằng, chỉ có một đội ngũ quản lý và chuyên môn giỏi, có nhiệt huyết mới đưa VPBank cán đích”.

Quản lý hiệu quả một đội ngũ nhân sự mạnh với sự “đa dạng” về văn hóa, phong cách làm việc có thể tạo ra những lợi thế đặc biệt cho VPBank trong kinh doanh. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức không nhỏ cho các lãnh đạo Ngân hàng với mục tiêu “thống nhất trong đa dạng”. Làm thế nào để có các định hướng hành vi chuẩn mực, nhất quán trong toàn tổ chức, để mang lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng, để luôn hướng tới và kết nối mục tiêu cá nhân và mục tiêu của tổ chức? Bà Huyền chia sẻ, xác định tầm quan trọng của nền tảng văn hóa DN, năm 2012, VPBank đã triển khai Dự án văn hóa DN với bộ 6 giá trị cốt lõi: Khách hàng là trọng tâm; Hiệu quả; Tham vọng; Phát triển con người; Tin cậy; Tạo sự khác biệt.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông, những cuộc thi tìm hiểu về giá trị cốt lõi, cùng các hoạt động vì cộng đồng đã và đang được khuyến khích, nhằm kết nối mọi thành viên, tạo sức mạnh tập thể giúp VPBank triển khai thành công chiến lược tăng trưởng giai đoạn 2012 - 2017.