VPBank vừa được trao giải Thương hiệu Việt
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2012 chỉ đạt 5,03%, mức tăng thậm chí còn thấp hơn dự báo được điều chỉnh trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong kỳ họp cuối cùng của năm vào cuối tháng 10 là 5,2%. Nguyên nhân lớn nhất khiến GDP tăng trưởng với tốc độ chậm là tình trạng đình trệ sản xuất do sức cầu giảm sút.
Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), thị trường bất động sản đóng băng cùng với chủ trương cắt giảm đầu tư công đã kéo theo sự giảm tốc của ngành xây dựng. Cụ thể, nếu như các năm trước, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt trên 10% thì trong 6 tháng đầu năm 2012 lại giảm sút với mức -5,4% và chỉ có được sự cải thiện nhờ vào tăng đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm. Sự sụt giảm của khu vực sản xuất công nghiệp cũng là một mối quan ngại lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm chỉ ở quanh mức 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,5% năm 2011. Cùng với đó, chỉ số người quản trị mua (PMI) đã giảm liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 điểm trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10), cho thấy quy mô sản xuất của DN trong năm 2012 có xu hướng thu hẹp.
Tuy nhiên, đáng mừng là việc mở rộng sản xuất đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khi chỉ số PMI tăng trở lại trên 50 điểm vào tháng 11/2012. Lạm phát được kiểm soát và giảm mạnh so với năm 2011. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 vẫn đạt mức tăng 18,3%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 12 - 13% đề ra từ đầu năm. Cùng với đó, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện đáng kể (NHNN dự báo thặng dư khoảng 9 - 10 tỷ USD) và nguồn dự trữ ngoại hối tăng khá (đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu) có phần đóng góp khá lớn từ sự cải thiện mạnh mẽ của cán cân thương mại và cán cân vãng lai.
“Quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP thông qua các giải pháp đồng bộ đã tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định trong năm 2012: lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và dự trữ ngoại hối được nâng cao… Kết quả là, chỉ số CDS - phí bảo hiểm rủi ro trái phiếu chính phủ - của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất vào tháng 12, ở mức 250 điểm, giảm mạnh so với kỷ lục 600 điểm vào cuối năm 2011. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt
Cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, tập thể Ban lãnh đạo và CBNV VPBank đã đưa Ngân hàng vượt qua sóng gió và từng bước khẳng định vị thế bằng những chỉ tiêu cụ thể, thuyết phục. Tính đến hết tháng 12/2012, tổng tài sản của VPBank đạt trên 98.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011; huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 88% so với cuối năm 2011. Cũng trong năm 2012, VPBank đã đạt được các giải thưởng tiêu biểu: Giải thưởng thương hiệu mạnh Việt Nam; Giải thưởng Ngân hàng có chất lượng dịch vụ được hài lòng nhất; Giải tăng trưởng outbound - giải tăng trưởng số lượng điểm giao dịch cao nhất; Giải thưởng điểm kích hoạt giao dịch cao nhất của dịch vụ Western Union; Giải về tỷ lệ điện chuẩn thanh toán quốc tế do Wells Fargo trao tặng.
Đặc biệt, Hội đồng thương hiệu Quốc gia vừa trao giải Thương hiệu Việt Nam năm 2012 và VPBank tự hào là 1 trong 54 DN Việt Nam được vinh dự trao tặng giải thưởng này. Đây là chương trình thương hiệu quốc gia do Chính phủ Việt Nam thực hiện với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, đồng thời bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín, nhằm giúp các DN Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu ra thế giới. Giải thưởng được trao dựa trên các tiêu chí: kết quả kinh doanh năm 2012, mức độ nhận biết thương hiệu, các hoạt động cộng đồng, xã hội và đặc biệt là phát triển bền vững và nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng Giám đốc VPBank chia sẻ: “Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu của VPBank trong thời gian qua, đồng thời, góp phần khẳng định vị thế của VPBank là 1 trong 12 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam. Bước sang năm 2013, ngoài các kế hoạch chiến lược chung toàn ngành ngân hàng, VPBank sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và giải trí gia tăng cũng như các tiện ích vượt trội, mang đến cho khách hàng sự hài lòng và tin tưởng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của Ngân hàng”.
Xác định những khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn hiện hữu trong năm 2013 này, ngay từ đầu năm VPBank sẽ đưa ra những chỉ số phát triển cụ thể, thận trọng dựa trên cơ sở nền tảng thực tế của Ngân hàng cho từng năm để từng bước đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra.