VPBank chú trọng tạo ra giá trị đối với DN

VPBank chú trọng tạo ra giá trị đối với DN

(ĐTCK) Sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu và cộng đồng DN vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, không chỉ cần sự ưu đãi về lãi suất của các ngân hàng, mà còn cần những sản phẩm tài chính phù hợp, giúp tạo ra giá trị đối với DN.

VPBank chú trọng tạo ra giá trị đối với DN ảnh 1VPBank đã thiết lập 7 trung tâm SME để hỗ trợ khách hàng DN vừa và nhỏ

 

Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại ngành công thương 7 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công thương cho biết, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước và cùng kỳ nhưng nhìn chung còn chuyển biến chậm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng là 4,9%; 6 tháng 5,0%, chứng tỏ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn, sức mua xã hội còn thấp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 7/2013 đạt 48,5 điểm, có cải thiện hơn mức 46,4 điểm của tháng 6, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất giảm sút 3 tháng liên tiếp.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: “Sức cầu của thị trường vẫn chưa có sự khởi sắc, nên DN vẫn đắn đo, cân nhắc trước khi quyết định vay vốn mở rộng sản xuất -kinh doanh”.

Nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng đã dần giảm lãi suất cho vay với khách hàng DN. Báo cáo về tình hình hoạt động của các ngân hàng, NHNN cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay của NHTM nhà nước phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao). Với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9 - 10,5%/năm và trung, dài hạn trong khoảng 11,5 - 12,8%/năm.

Trong khi ở các NHTM cổ phần, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu đãi là 8 - 9%/năm, còn với các lĩnh vực khác, lãi suất phổ biến ở mức 9,5 - 11,5%/năm cho kỳ hạn ngắn và khoảng 12 - 13%/năm cho trung và dài hạn. Đó là chưa kể một số gói vốn ưu đãi lãi suất thấp 6%/năm, thấp hơn so với trần lãi suất huy động ở Vietcombank và VPBank. Lãi suất cho vay đã xuống thấp, tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN cho biết không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng 7 tháng đầu năm 2013 toàn ngành dù có khá hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn.

“Một ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các khách hàng, cán bộ quản lý cũng như các cổ đông. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, càng cần phải thận trọng. Do đó cũng có thể hiểu được khi các ngân hàng ngày càng chặt chẽ hơn với các điều kiện cho vay”, ông Fung Kai Jin, Giám đốc Khối Khách hàng DN vừa và nhỏ VPBank nói.

Tại VPBank, DN vừa và nhỏ là một phân khúc khách hàng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiến lược dài hạn của Ngân hàng, do đó, trong những tháng cuối năm, VPBank đã có những thay đổi nội bộ để hỗ trợ tốt hơn các khách hàng thuộc phân khúc này. Cụ thể, VPBank sẽ tăng cường đầu tư vào con người, đơn giản hóa các sản phẩm và các quy trình để đảm bảo phục vụ tốt các khách hàng SME.

“Phát triển các dịch vụ thu hộ và thanh toán, nhằm giúp các DN sử dụng hiệu quả vốn lưu động, chúng tôi muốn tạo ra giá trị đối với khách hàng hơn là chỉ cạnh tranh về lãi suất”, ông Fung Kai Jin nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VPBank đã thiết lập 7 trung tâm SME (phấn đấu nâng lên 11 trung tâm vào cuối năm 2013), cùng với 205 chi nhánh trên khắp đất nước để tiếp cận và phục vụ các khách hàng SME. Tại Trung tâm SME của VPBank, khách hàng có thể thảo luận về các yêu cầu với nhân viên được đào tạo chuyên biệt để được hỗ trợ những gợi ý và các dịch vụ sẵn có.

“Chúng tôi liên tục rà soát và cải thiện các quy trình để hỗ trợ tăng trưởng cho khách hàng. Các kỹ thuật quản lý rủi ro mới sẽ được triển khai để giúp ngân hàng lưu giữ sổ vay có chất lượng tốt”, ông Fung Kai Jin nói.

Đồng thời, VPBank cũng tiến hành rà soát các sản phẩm ngân hàng để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của khách hàng SME. Chẳng hạn, Ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian 6 tháng để hỗ trợ khách hàng trong Chương trình SME Success. Về chi phí tài trợ, VPBank bắt đầu giảm lãi suất huy động, lãi suất các khoản tín dụng sẽ tiếp tục được định giá lại thấp xuống. Bên cạnh đó, VPBank cũng xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ vững chắc cho cộng đồng DN.

Cả nước đang dần hồi phục sau vài năm trong điều kiện kinh tế khó khăn. Giống như các DN SME, hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những thách thức mặc dù bản chất của các vấn đề có thể khác nhau và biến đổi ở từng ngân hàng cụ thể. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, chúng ta luôn có tin tốt lành.