Vòng luẩn quẩn lãi vay tài chính tiêu dùng

Vòng luẩn quẩn lãi vay tài chính tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để bù đắp rủi ro không trả nợ - luôn ở mức cao, các công ty tài chính áp dụng mức lãi suất cho vay tín chấp lên tới gần 60%/năm, nhưng lãi cao lại tạo ra vòng xoáy, người vay càng khó khăn trả nợ.

Lãi vay tín chấp từ 24 - 59%/năm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trung tuần tháng 3/2024, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, các tổ chức tín dụng và ngân hàng với mục đích vay vốn.

Theo đó, FE Credit lần đầu công khai lãi suất cho vay bình quân là 23,4%/năm. Mức chêch lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất tiền gửi tại FE Credit là 16,9%/năm. Trong khi đó, Home Credit Việt Nam cho biết, lãi suất vay tiền mặt được Công ty áp dụng linh hoạt theo hạn mức, thời hạn vay, với lãi suất phẳng đối đa 33,94%/năm.

Sau đợt sụt giảm tín dụng tiêu dùng những tháng đầu năm nay, các ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng cho vay mua nhà, mua xe, trả học phí… với lãi suất thấp.

Chẳng hạn, Agribank công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà đất, xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa…); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy...) và các mục đích tiêu dùng khác với lãi suất từ 4%/năm. BVBank cũng triển khai gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất từ 5%/năm, LPBank cho vay với lãi suất từ 6,5%/năm… Nhưng thực tế, người có nhu cầu vay chỉ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp khi có tài sản đảm bảo, chứng minh được thu nhập trả nợ.

Các công ty tài chính, chủ yếu cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo), có rủi ro cao hơn nên áp dụng mức lãi suất cũng cao hơn. Theo ghi nhận của người viết, các công ty tài chính thường cho vay với mức lãi suất cao hơn từ 2 - 6 lần so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng, tức từ 24 - 59%/năm.

Chẳng hạn, tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, lãi suất cho vay tiền mặt từ 5 - 100 triệu đồng kỳ hạn từ 6 - 36 tháng được áp dụng là 18 - 58%/năm. Đối với cho vay mua hàng trả góp, lãi suất được công ty này áp dụng dao động từ 0 - 55%/năm.

TS. Huỳnh Trung Minh - chuyên gia tài chính phân tích, có sự chênh lệch lãi suất cho vay giữa nhóm công ty tài chính và ngân hàng cũng là điều dễ hiểu, xuất phát từ đối tượng khách hàng và các yêu cầu của khoản vay khác nhau.

Việc áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, hoặc ít nhất là việc kiểm soát chặt của Ngân hàng Nhà nước khi các tổ chức tài chính trình phương án lãi suất là điều cần thiết để giảm rủi ro tín dụng.

TS. Lê Thị Hoàng Thanh Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp

Đối tượng khách hàng của công ty tài chính thường có thu nhập bấp bênh, không có tài sản đảm bảo, hay có chỉ số xếp hạng tín dụng thấp, dẫn đến rủi ro đối với bên cho vay lớn hơn nhiều so với ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, khả năng trả nợ của khách hàng tại công ty tài chính đi xuống, thậm chí mất khả năng trả nợ, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, đòi hỏi công ty phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn và những chi phí ấy được tính vào lãi suất.

Áp trần lãi vay tiêu dùng, có cần thiết?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng từ 40 - 60%/năm là rất cao, khiến khách hàng ngại vay và đây là hệ quả từ rủi ro cho vay cao.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) kiến nghị, cần xây dựng khung khổ pháp lý chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ. Cụ thể, bà Thanh cho rằng, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay tiêu dùng và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay tiêu dùng để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Bà Thanh cho biết, tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng được khống chế là 20%/năm; Ấn Độ dao động trong khoảng 12 - 48%/năm; Brazil là 30 - 70%/năm; Mỹ là 8 - 36%/năm; Trung Quốc là 10 - 40%/năm.

Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có quy định về áp dụng trần lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng tín dụng. Mức lãi suất cho vay tiêu dùng được điều chỉnh theo cơ chế cạnh tranh và thường dao động từ 25 - 50%/năm.

“Lãi vay cao sẽ tạo ra áp lực lớn đối với người vay vốn, kéo theo rủi ro tín dụng cho các công ty tài chính khi khách hàng mất dần khả năng trả nợ, nhất là khi các khoản vay tiêu dùng thường không yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, việc áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, hoặc ít nhất là động thái kiểm soát chặt của Ngân hàng Nhà nước khi các tổ chức tài chính tiêu dùng trình phương án lãi suất là điều cần thiết để giảm rủi ro tín dụng”, bà Thanh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia tài chính, hai yếu tố lãi suất vay cao và tăng trưởng tín dụng tác động qua lại nhau, tạo thành vòng xoáy. Phải tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và giảm lãi suất cho vay thì nền kinh tế mới tăng trưởng, người dân mới có thu nhập.

Khi sức mua tăng lên thì cho vay tiêu dùng mới có thể đi lên. Còn thực tế hiện nay, dù mặt bằng lãi vay đã giảm mạnh, song với tín dụng tiêu dùng tín chấp qua công ty tài chính, áp lực vẫn rất lớn.

Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ quyết định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Các công ty tài chính hoạt động dưới sự quản lý và kiểm soát của pháp luật nhà nước, chính vì vậy mà các mức lãi suất đều được công khai, minh bạch và quy định rõ ràng theo khung pháp lý đã được quy định. Hiện lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng dao động ở một dải rất rộng, tùy vào đối tượng khách hàng, sản phẩm vay.

Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty tài chính cho rằng, không một công ty tài chính nào có thể tự đặt ra mức lãi suất quá khác biệt so với thị trường, cũng không thể ép buộc khách hàng phải vay vốn.

Thậm chí, nếu áp trần lãi suất không phù hợp với quy luật khách quan của thị trường thì chỉ dẫn đến tình trạng “lách luật” hay vi phạm tràn lan. Nghĩa vụ quan trọng nhất, cũng là khó khăn nhất của người vay là việc trả nợ gốc và lãi.

Vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước hết, người đi vay phải nắm rõ lãi suất sẽ phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả đúng hạn và quá hạn, đồng thời phải tính tới khả năng trả nợ trước khi nhận định lãi suất đó là cao hay thấp.

Tin bài liên quan