Xu thế tất yếu
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, có rất nhiều chương trình, chính sách cụ thể được đưa ra, góp phần vì một Việt Nam xanh hơn. Trong đó, Việt Nam đang tích cực triển khai sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp.
Nếu như trước đây chỉ nhóm ngành doanh nghiệp năng lượng tái tạo được tiếp cận nguồn tín dụng xanh thì hiện nay, dòng vốn xanh được mở rộng đến với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường… Các tổ chức tín dụng ngày càng quan tâm đến tín dụng xanh nhiều hơn. Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng bình quân trên 25%/năm.
Tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 500.524 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2 % tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (46,7%).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng và dài hạn của Việt Nam.
Thực tế, không chỉ các tổ chức tín dụng trong nước, các ngân hàng nước ngoài cũng chú trọng tới tín dụng xanh. Khơi dòng vốn xanh là một xu hướng mới tại Việt Nam và các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh đang dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh - xã hội - bền vững (GSS), cổ phiếu xanh, tín dụng xanh...
Giải pháp đồng bộ
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cần sớm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng.
Cần sớm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng.
Về điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch cho biết, kinh doanh trong lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường đang được cả Chính phủ và xã hội quan tâm. Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn xanh, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, trong khi chi phí đầu tư lớn, thời gian kéo dài.
Chưa kể, nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động trong ngắn hạn, điều này gây khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định.
Để khắc phục khó khăn, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực xanh từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường… đến lập quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng xanh, do đó thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển cần có những giải pháp đồng bộ, cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn.
Một số chương trình tín dụng xanh nổi bật đã được triển khai thời gian qua chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng như dự án chuyển hóa các-bon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV và ANZ Việt Nam triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF); sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, SHB, HDBank từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới; sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam do SHB là đơn vị thực hiện, cùng với sự tham gia của các ngân hàng khác như BIDV, TPBank, VietinBank, Vietcombank, ACB, Techcombank từ nguồn vốn Quỹ Khí hậu xanh của Ngân hàng Thế giới; sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank; Standard Chartered Việt Nam hợp tác với MBBank thu xếp vốn cho một số dự án điện gió tại Việt Nam…
Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã thực hiện các bước để thu hút vốn nước ngoài, đặc biệt thông qua thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với khoản đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang năng lượng xanh.
Để mở rộng ra các lĩnh vực khác, thị trường tài chính xanh cần có những chuyển biến tích cực hơn. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, nhu cầu đầu tư xanh đang rất sôi động trên thị trường vốn quốc tế và các tổ chức, định chế đầu tư đang đẩy mạnh một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện huy động vốn theo xu hướng mới này.
Hiện tại, FiinGroup đang cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) làm việc với một số doanh nghiệp nhằm xây dựng khung trái phiếu xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Trái phiếu khí hậu quốc tế (CBI). FiinGroup kỳ vọng sẽ có một số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động vốn trái phiếu xanh thành công trong năm 2023. Đó sẽ là những điểm sáng cho thị trường vốn Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết tại COP26.
Theo lãnh đạo FiinGroup, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Mới đây, ngày 13/7/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, khi chính thức được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tạo cú huých cho kênh vốn xanh tăng trưởng trong năm 2023 cũng như các năm tới, đặc biệt những ngành hưởng lợi là năng lượng, giao thông - vận tải, tài nguyên nước, nông nghiệp, xây dựng, bất động sản xanh và các ngành có yếu tố chuyển đổi xanh như xi măng, thép...
Các chuyên gia của ADB và BIDV đánh giá, Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý dần hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều và hiệu quả hơn để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững.