Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất

Vốn vay "ế" khách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tháng 7 chững lại dù lãi suất liên tục giảm cho thấy giá vốn thấp không phải là động lực kích cầu vốn vay.

Quyết liệt giảm lãi suất

Sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm mạnh, kéo lãi vay đi xuống. Song lãi suất đầu ra luôn có độ trễ so với lãi suất đầu vào, nhất là trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm nay tăng chậm, nên nhiều ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết vốn huy động giá cao từ trước. Để đẩy mạnh tín dụng, ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực giảm thêm lãi vay.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm thêm 1,5 - 2%/năm lãi vay, cả với khoản vay cũ. Trước đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 đó là Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.

Không ít ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, đồng thời giảm thêm lãi suất cho vay như MSB giảm lãi suất cơ sở cho vay đến 1%/năm, VietBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 8,9%/năm, ACB nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 20.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng với mức giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất, Vietcombank giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp từ 1/8/2023 đến hết 31/12/2023, Agribank dành 25.000 tỷ đồng cho vay xuất nhập khẩu với lãi suất thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng.

Tại VietinBank, ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 10.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, mức lãi suất mới từ 6,8%/năm. Trong khi đó, Sacombank có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7,5%/năm cho doanh nghiệp và từ 9%/năm cho cá nhân. Còn BIDV triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại.

Tín dụng khó có thể tăng mạnh

Các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên cơ sở giảm chi phí nhằm kích cầu tín dụng.

Lãi suất cho vay từng bước được ngành ngân hàng cắt giảm, song tăng trưởng tín dụng được dự báo khó có thể đột biến trong những tháng cuối năm nay. Đáng lưu ý, tín dụng tháng 7 vừa qua chậm lại so với tháng 6, dù nửa đầu năm tăng thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 là 4,3% so với cuối năm 2023, trong khi cuối tháng 6 đạt mức tăng 4,7%, cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang suy giảm.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, khi có điều kiện, cơ quan này sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên cơ sở giảm chi phí nhằm kích cầu tín dụng, qua đó góp phần hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng là 14%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn. Gói chính sách hỗ trợ ngành lâm thủy sản trị giá 15.000 tỷ đồng và cơ cấu các khoản nợ (hoãn, giãn) theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ được đẩy mạnh, bên cạnh việc kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, đẩy mạnh tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng là mục tiêu lớn nhất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2023. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng có thể tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, BVBank cho rằng, lãi suất giảm là yếu tố cần để kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhưng chưa đủ, bởi kinh tế còn khó khăn, đơn hàng giảm, hàng tồn kho, sức cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu chậm…

Lãi suất hợp lý sẽ là động lực cho thị trường hấp thụ vốn, nhưng để tăng trưởng được tín dụng đòi hỏi nhiều yếu tố khác như yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, tình hình sức khỏe của khách hàng được cải thiện, các ngân hàng cung cấp trải nghiệm tốt cho khách hàng, bên cạnh đó là các chính sách, giải pháp hỗ trợ của cơ quan quản lý về tài chính, thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh…

Theo ông Sang, thông lệ cuối năm là dịp mua sắm nên nhu cầu sản xuất gia tăng, cùng với triển vọng của thị trường xuất nhập khẩu, sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý về giảm lãi suất, cũng như nỗ lực của các ngân hàng, tín dụng nói chung, tín dụng khách hàng cá nhân nói riêng sẽ dần khởi sắc.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ, ở góc độ vĩ mô, khi phân tích, đánh giá tăng trưởng tín dụng hiện nay, 2 yếu tố có ảnh hưởng lớn là cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và môi trường kinh tế - xã hội, với nội hàm về thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, môi trường pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh. Về mặt chính sách tiền tệ, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và toàn diện nhằm tác động, kích thích và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó có chính sách lãi suất thấp.

Khi lãi suất hợp lý, ổn định và ở mức thấp, doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mở rộng sản xuất - kinh doanh, phát triển và thực hiện ý tưởng kinh doanh, qua đó kích thích nhu cầu vay vốn và kết quả là tín dụng tăng trưởng. Trong khi đó, các chính sách về tăng hạn mức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiện nay cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lệnh thừa nhận, 7 tháng đầu năm nay, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế thấp, khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn, nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Chính sách đã, đang phát huy tác dụng, nhất là về lãi suất. Lãi suất cho vay hiện có mức giảm đáng kể để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý; đồng thời sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận lợi và mang lại lợi ích tối đa với những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, đa dạng.

Ngành ngân hàng với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục đồng thuận cam kết giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để tạo hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tính riêng TP.HCM, gói tín dụng ưu đãi của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đã giải ngân được 420.968 tỷ đồng cho 101.123 khách hàng, bằng 93% gói tín dụng được các tổ chức tín dụng đăng ký từ đầu năm; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đạt 10.239 tỷ đồng cho 9.659 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt 18.309 tỷ đồng cho 308 khách hàng.

Ngành ngân hàng bằng những hành động cụ thể cùng với chính sách tiền tệ, tín dụng đang triển khai đã góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng.

Để chính sách tiền tệ, tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kinh tế, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan đến tài chính, thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tạo ra những hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực đối với các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Theo đó, cầu tín dụng sẽ tăng khi các hoạt động này được cải thiện. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng sẽ phục hồi tốt hơn nếu phát huy các giải pháp đồng bộ và hành động quyết tâm, phối hợp hiệu quả chính sách và thực hiện toàn diện.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi cho vay

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

Từ nay tới cuối năm, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, ưu tiên cho công tác hỗ trợ kinh tế phục hồi và tăng trưởng, từ đó dẫn đến mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhất là lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, nguy cơ nợ xấu tăng khiến chi phí vốn và chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Điều đó gây khó khăn cho việc giảm lãi suất cho vay, dù các ngân hàng nỗ lực gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động nhằm giảm chi phí vốn, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động để tạo thêm dư địa hạ lãi suất.

Hiện tại, nhóm khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu do khả năng trả nợ suy giảm. Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn khi sức mua của thị trường giảm, dẫn đến lượng đơn hàng đầu ra giảm sút, hàng lưu kho bị tồn đọng dẫn đến thiếu hụt dòng tiền. Từ đó, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn thu để trả những khoản nợ đến hạn. Trường hợp khách hàng không thể sắp xếp được nguồn tiền trả nợ dẫn đến phát sinh nợ xấu, khách hàng sẽ không đủ điều kiện để được giải ngân các khoản tín dụng mới.

Mặc dù vậy, ABBank kỳ vọng, tín dụng nói chung và tín dụng nhóm khách hàng cá nhân sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Có thể kể đến một số chương trình cho vay với mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân như chương trình cho vay vốn trung và dài hạn “Lãi suất vàng - Ngàn ưu đãi”, lãi suất từ 10%/năm; chương trình cho vay vốn sản xuất - kinh doanh ngắn hạn “Ưu đãi lãi vay - An tâm sản xuất”, lãi suất từ 6,9%/năm; chương trình cho vay mua nhà để ở “Vay tài lộc - Hưởng an gia”, lãi suất từ 9%/năm.

Hiệu ứng giảm lãi suất sẽ dần lan tỏa

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng giảm mạnh. Song thực tế, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, bởi nguyên nhân không chỉ từ ngân hàng, mà còn ở phía doanh nghiệp khó đáp ứng được điều kiện tín dụng trước bối cảnh thị trường khó khăn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế đang có dấu hiệu cải thiện, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với tháng trước, sản lượng sản xuất có mức tăng lần lượt là 3,6% và 4,2%.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 29,7 tỷ USD, giảm 3,5%, còn kim ngạch nhập khẩu là 27,5 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” cho kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, sự suy giảm xuất khẩu trong tháng 7 là mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 15,2 tỷ USD.

Nhìn chung, các chỉ số kinh tế chính đều có xu hướng cải thiện dựa trên sự phục hồi của xuất khẩu và ngành sản xuất. Đặc biệt, khả năng “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực cho sự phục hồi của ngành xuất khẩu và sản xuất trong thời gian tới. Cùng với chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, khả năng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam có thể thấy qua sự phục hồi chỉ số kinh tế dẫn đầu của OECD với Mỹ và châu Âu, các quốc gia xuất khẩu chính của Việt Nam

Ngoài ra, trong khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ dựa trên chỉ số giá tiêu dùng ổn định thì lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của nhu cầu trong nước cũng là những điểm tích cực.

Tôi nghĩ, cuối năm nay là thời điểm quan trọng khi nhu cầu sản xuất phục hồi, cộng với kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ ngừng tăng lãi suất, hiệu ứng giảm lãi suất ở Việt Nam dần lan tỏa mạnh hơn.

Giảm lãi suất sẽ là xu hướng chủ đạo

Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

Nhìn vào mặt bằng lãi suất niêm yết và lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm đến nay, so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tôi cho rằng, giảm lãi suất sẽ là xu hướng chủ đạo trong những tháng còn lại của năm 2023. Lãi suất cho vay luôn có độ trễ nhất định, bởi vì mặt bằng chi phí vốn của mỗi ngân hàng khác nhau nên cần có thời gian để trung hòa. Lãi suất huy động tăng cao từ tháng 9 năm ngoái đến đầu năm nay, nên muốn lãi suất cho vay giảm thêm thì phải chờ thêm thời gian để các ngân hàng bình quân giá. Thực tế, các ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng cần phải giảm thêm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khi mặt bằng lãi suất huy động chưa giảm nhiều, chúng tôi đã triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất 10,5%/năm và được rất nhiều khách hàng hưởng ứng, giúp tín dụng của BVBank tăng trưởng gần như kịch “room”. Việc tiếp tục đưa ra gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng với mức giảm lãi vay đến 2%/năm của BVBank cũng không ngoài mục đích hỗ trợ, đồng hành với khách hàng. Riêng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, chúng tôi có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm.

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, tình hình khách hàng vẫn là điều quan tâm của các ngân hàng để đưa ra quyết định cấp tín dụng, bởi sức khỏe tài chính bị ảnh hưởng sau 2 năm đại dịch Covid-19 và những biến động về kinh tế - xã hội trên thế giới cũng như trong nước. Bản thân khách hàng cũng cảm thấy có những rào cản khi tiếp cận vốn ngân hàng do thủ tục còn rườm rà, phức tạp, nhất là tín dụng cá nhân nhỏ lẻ. Thấu hiểu điều đó, BVBank cố gắng đơn giản hóa các giấy tờ, ứng dụng công nghệ số trong quy trình thẩm định, vận hành, lấy sự hiểu biết khách hàng và nguồn dữ liệu để đưa ra quyết định nhanh nhất, xóa bỏ rào cản tâm lý cho khách hàng.

Tin bài liên quan