Đưa nợ xấu nội bảng về dưới 2%
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 01, hoạt động tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cần đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Về nợ xấu, Nghị quyết 01 nhấn mạnh, kết thúc năm 2019 phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng về dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu về dưới 5% (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC nhưng chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu). Trước đó, mục tiêu Chính phủ đã trình Quốc hội là đến năm 2020 giảm được tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 3%.
Mặc dù sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm nay, cũng như thời gian tới, nhưng với tiềm năng vốn có, thị trường bất động sản sẽ thu hút được nhiều dòng vốn khác, ngoài vốn tín dụng
- TS. Cấn Văn lực
Theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thổng tổ chức tín dụng là 2,4%, giảm nhẹ so với năm 2017 (2,5%). Trước đó, báo cáo cuối năm 2017 của cơ quan này cho biết, tổng tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn của ngành ngân hàng vào khoảng 9,5%.
Siết tín dụng bất động sản để tránh rủi ro "bong bóng"
Trên thực tế, không phải đến năm nay, mà trước đó chủ trương kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là bất động sản, đã được thực hiện một cách rốt ráo. Mặt khác, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo thấp hơn năm trước, nên khả năng vốn vào bất động sản sẽ còn siết chặt hơn.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, năm nay, hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chịu sự tác động lớn từ những chính sách của cơ quan quản lý, từ đó ảnh hưởng tới tín dụng bất động sản.
"Các ngân hàng phải đáp ứng quy định giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40% kể từ ngày 1/1/2019 theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19/2017/TT-NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, quy định của Thông tư 19/2017 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, thay vì 200% như hiện tại. Điều này sẽ khiến 'van' tín dụng vào bất động sản càng trở nên hẹp hơn", ông Tín đánh giá.
Mặt khác, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tuy tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo Basel II (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), nhưng các điều kiện trong Basel II lại khắt khe hơn, nhất là các quy định về tổng tài sản có, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, tổng tài sản có liên quan trực tiếp đến hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Trên thực tế, thông điệp kiểm soát vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn thường xuyên được cơ quan quản lý đề cập. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định và thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong hoạt động tín dụng, nhất là với lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra, cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao...
Theo giới phân tích, việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản nói riêng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Tuy nhiên, trên phương diện vĩ mô, đây là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại nguồn vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, từ đó hạn chế rủi ro "bong bóng", giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định và bền vững hơn.
"Mặc dù sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm nay, cũng như thời gian tới, nhưng với tiềm năng vốn có, thị trường bất động sản sẽ thu hút được nhiều dòng vốn khác, ngoài vốn tín dụng", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.