Ngoài gói 30.000 tỷ đồng, nhiều gói tín dụng bất động sản lãi suất thấp cũng đang được các ngân hàng triển khai

Ngoài gói 30.000 tỷ đồng, nhiều gói tín dụng bất động sản lãi suất thấp cũng đang được các ngân hàng triển khai

Vốn vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản

(ĐTCK) Quý IV được xem là mùa kinh doanh vốn cao điểm của các ngân hàng trong năm. Tuy nhiên, khác với mọi năm, thay vì chỉ tập trung vốn cho khách hàng doanh nghiệp, năm nay, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân, nhất là vay mua nhà đang gia tăng đáng kể. Các nhà băng cũng ra sức đẩy mạnh vốn vào bất động sản, trong đó ưu tiên trước hết vẫn là cá nhân vay mua căn hộ để ở và dự án có đầu ra tốt.

Giảm lãi để hút khách

OCB có gói tín dụng “kích cầu - lãi thấp”, với hạn mức 2.500 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà, căn hộ, vay xây dựng, sửa chữa nhà… lãi suất cố định 3 tháng đầu tối thiểu 6,5%/năm, cố định 6 tháng đầu tối thiểu 7%/năm, cố định 12 tháng đầu tối thiểu 8%/năm. Tương tự, từ nay đến hết ngày 31/12/2015, VietCapital Bank cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng "vay dễ - lãi thấp".

Với gói tín dụng này, khách hàng được giải ngân trong vòng 4 giờ và được hưởng mức lãi suất ưu đãi 6,5% cố định trong 6 tháng đầu và 12 tháng đầu là 7,5%/năm. Bên cạnh đó, những khách hàng đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác sẽ được VietCapital Bank áp dụng chương trình tái tài trợ, tức là VietCapital Bank sẽ phê duyệt hồ sơ của khách hàng trước, sau đó sẽ giải ngân và hỗ trợ các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng cho khách hàng. Sản phẩm này dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn có thế chấp mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà…

Còn tại HDBank, nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,8%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên cho cá nhân vay mua nhà. Ngoài ra, khách hàng còn có thể lựa chọn 2 gói ưu đãi lãi suất cố định khác là 8,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,9%/năm trong 25 tháng đầu tiên.

HDBank áp dụng thời hạn cho vay mua căn hộ Dự án Parkview lên đến 30 năm và hạn mức cho vay lên đến 80% giá trị tài sản bảo đảm. Khi khách hàng thanh toán từ 10% giá trị hợp đồng mua bán, HDBank sẽ giải ngân đối ứng ngay sau đó. Khách hàng có thể sử dụng chính căn hộ mua trong dự án này làm tài sản bảo đảm khoản vay…

Không chỉ với cá nhân vay mua nhà, HDBank còn tài trợ vốn cho chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, với Dự án Đồng Phát Parkview Tower, bên cạnh đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân vay mua căn hộ, HDBank còn tài trợ 300 tỷ đồng cho dự án này.

HDBank cũng dành tối đa 1.000 tỷ đồng tài trợ các dự án xây dựng nhà, đất do Công ty G5 quản lý và làm chủ đầu tư. Hình thức tài trợ là cho vay, bảo lãnh hoặc hình thức cấp tín dụng khác.

Ngoài ra, HDBank còn hỗ trợ cho vay đối với các khách hàng mua căn hộ trong các dự án do Công ty G5 phân phối với nhiều chương trình ưu đãi như gói “vay tiền phát lộc” lãi suất từ 6,8%/năm đang được áp dụng…

Hay tại ACB, ngân hàng này cũng đang cho vay số tiền tối đa 100% giá trị nhà mua trên hợp đồng mua bán với chủ đầu tư trong thời hạn 15 năm. Lãi suất tính trên dư nợ giảm dần.

Ông Godfrey Swain, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, tính đến ngày 30/6, cho vay khách hàng của VIB đạt 41.233 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng trưởng tín dụng tốt.

Chỉ tính riêng gói cho vay ưu đãi “Thời điểm vàng”, triển khai trong tháng 5, 6, 7, VIB đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng, tạo đòn bẩy tăng trưởng tiếp theo cho những tháng cuối năm.

Để khuyến khích khách hàng vay vốn, VIB áp dụng lãi suất cho vay 5,99%/năm trong 6 tháng đầu. Lãi suất từ tháng thứ 7 bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng 3,49%/năm (tương ứng 9,19%/năm) dành cho cá nhân vay mua bất động sản… 

Cần chính sách lãi suất ổn định

Cùng với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại cũng đang mạnh tay “rót” vốn cho phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Đặc biệt, trong tín bối cảnh tín dụng doanh nghiệp còn khó khăn, trong khi thị trường bất động sản đã hồi phục, hướng đi được nhà băng tiếp tục đẩy mạnh là tung nhiều gói tín dụng mua, sửa chữa nhà cuối năm. Đây cũng là sản phẩm mà các ngân hàng hiện đang tập trung triển khai.

Tại VietBank, sản phẩm cho vay sinh hoạt tiêu dùng, trong đó có cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà cuối năm 2015, hạn mức vốn cấp cho mỗi khách hàng cá nhân lên đến 500 triệu đồng. Theo Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank, với sản phẩm cho vay mua nhà, Ngân hàng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh, dư nợ tín dụng cũng tăng cao.

Ông Nhung cho biết, hiện lãi suất cho cá nhân vay mua nhà đã giảm đáng kể so với 3 năm trước đây và chỉ còn dao động trong khoảng 9 - 10%/năm. Tại VietBank, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà cũng chỉ còn 7,5%/năm trong 6 tháng đầu và thay đổi với biên độ chỉ 3 - 4%/năm.

Nhiều người kỳ vọng mức lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới khi lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, lãi suất khó kỳ vọng giảm sâu hơn, bởi hiện lãi suất đã trở về thời kỳ năm 2006 -2007. Mặt bằng lãi suất hiện đã về mức hợp lý, giảm gần 2/3 so với thời kỳ cao nhất, đồng thời nếu trừ lạm phát thì lãi suất hiện không còn lớn và đã phù hợp để cá nhân vay mua, sửa chữa nhà.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc phụ trách khối cá nhân OCB cho rằng, nhu cầu vốn của cá nhân vay mua nhà cải thiện từ sau khi mặt bằng lãi suất cho vay và giá bất động sản giảm về mức phù hợp. Theo ông Long, dư nợ tín dụng khối cá nhân của OCB tăng đáng kể, nhất là với tín dụng cho vay mua nhà và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV.

Mặc dù cuộc chiến giành thị phần tín dụng cho vay mua nhà giữa các ngân hàng ngày một quyết liệt, song lãi suất ưu đãi mà các nhà băng đưa ra cũng chỉ trong thời gian ngắn 3 - 6 tháng, sau đó tăng lên, nên chưa khuyến khích được khách hàng có nhu cầu vốn mua nhà ở. Vì thế, theo nhận định từ các chuyên gia tài chính, cần có chính sách lãi suất ổn định, ít nhất 2 - 3 năm để khuyến khích các cá nhân vay mua nhà.

Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho rằng, lãi suất luôn là mối bận tâm hàng đầu đối với khách hàng vay. Tuy nhiên, chỉ lãi suất thấp là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh thu nhập của khách hàng chưa có nhiều kỳ vọng cải thiện trong bối cảnh kinh tế chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn như hiện nay. Do đó, điều khách hàng cần là một chính sách lãi suất bền vững, ổn định và đem lại cho họ sự an tâm lâu dài, đặc biệt là với các khoản vay dài hạn như vay bất động sản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, lãi suất ưu đãi cho cá nhân vay mua nhà sẽ tốt cho thị trường bất động sản. Giá nhà, đất và lãi suất giảm về mức hợp lý là cơ hội tốt cho không chỉ ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân, mà cả người có nhu cầu vay mua nhà, đặc biệt là với phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp và nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, khách hàng vẫn còn khá dè dặt và tăng trưởng tín dụng ở mảng này chưa quá cao. Một phần do ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế, mặt khác, do thu nhập của người dân còn thấp không đủ điều kiện để mua nhà, cho dù nhu cầu rất lớn. Phía ngân hàng cũng khá thận trọng trong khâu xét duyệt cho cá nhân vay. Vì vậy, theo TS. Hiếu, một chính sách lãi suất cho vay cạnh tranh và ổn định rất cần thiết cho người vay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan