Sau 10 năm niêm yết, vốn điều lệ của Vingroup đã tăng gấp 32 lần, nguồn vốn huy động từ TTCK đã tiếp sức cho nhiều dự án của Tập đoàn thành công

Sau 10 năm niêm yết, vốn điều lệ của Vingroup đã tăng gấp 32 lần, nguồn vốn huy động từ TTCK đã tiếp sức cho nhiều dự án của Tập đoàn thành công

Vốn từ thị trường chứng khoán hình thành thế hệ doanh nghiệp tỷ đô

(ĐTCK) Vinamilk, Vingroup, Sabeco, Vietjet Air, Petrolimex…, hàng loạt doanh nghiệp có quy mô tài sản, giá trị vốn hóa hàng tỷ USD đã được hình thành nhờ sự tiếp sức của thị trường chứng khoán.

1. Tròn 17 năm kể từ khi khai trương phiên giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn. Từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, tính đến hết tháng 6/2017, toàn thị trường đã có 714 doanh nghiệp niêm yết và 580 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.

Dẫu quy mô của thị trường vẫn còn nhỏ bé, khi so sánh giá trị vốn hóa trên GDP của nước ta hay so sánh tương quan với các thị trường trong khu vực, cả những vấn đề của một thị trường non trẻ như đầu cơ, làm giá, thiếu minh bạch thông tin, thị trường chứng khoán đã và đang khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhờ thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết từ quy mô nhỏ bé ban đầu đã tăng vốn lên quy mô hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng tỷ USD thông qua hoạt động cổ phần hóa, chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành riêng lẻ, phát hành cho đối tác chiến lược…

Trong những công ty có tốc độ tăng vốn mạnh từ khi lên sàn, có thể kể đến như CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC). Sau 10 năm niêm yết, vốn điều lệ của Tập đoàn đã tăng gấp gần 32 lần, từ 800 tỷ đồng lên 26.377 tỷ đồng, thông qua nhiều đợt chào bán cổ phiếu, phát hành huy động vốn. Hay CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) đã tăng vốn điều lệ hơn 8 lần từ mức 1.590 tỷ đồng ngày chào sàn (19/1/2006) lên 14.514 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2017.

VNM và VIC cũng là 2 trong số 19 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện nay. Trong đó, tính đến hết quý I/2017, tài sản của VIC đã đạt hơn 8 tỷ USD, vốn chủ sở hữu gần 2 tỷ USD. Với VNM, tài sản của công ty này cũng gần chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD, vốn chủ sở hữu hơn 1 tỷ USD.

Đầu tháng 7/2017, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất; trong đó, Vinamilk xếp ở vị trí đầu tiên, được định giá 1,7 tỷ USD. Vingroup đứng thứ 3 với giá trị 299,3 triệu USD. Các doanh nghiệp này khó lòng có được kết quả trên nếu không có thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa và hội nhập, nhiều doanh nghiệp dù có tiềm năng, song nguồn lực không đủ để mở rộng sản xuất - kinh doanh và dần teo tóp trước sức ép cạnh tranh từ cả các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.

Với lợi thế chi phí thấp, quy mô gần như “vô hạn”, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán một mặt trở thành chỗ dựa quan trọng để doanh nghiệp niêm yết có thể huy động cho đầu tư sản xuất, thay đổi máy móc thiết bị, cập nhật công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, mặt khác cũng giúp giảm thiểu các rủi ro và chi phí tài chính so với việc sử dụng nợ vay.

Đồng thời, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải nâng cao tính minh bạch và đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động.

2. Dù huy động vốn từ thị trường chứng khoán có nhiều lợi ích so với vay vốn từ ngân hàng, nhưng có tận dụng được nguồn vốn này hay không lại nằm ở chính doanh nghiệp. Chỉ có niềm tin vào hiệu quả của dự án kinh doanh, vào triển vọng tương lai của doanh nghiệp mới thuyết phục được nhà đầu tư, cổ đông bỏ vốn vào doanh nghiệp đó.

Chính vì vậy, câu chuyện huy động vốn trên thị trường luôn diễn ra sự phân hóa rõ nét: Có những doanh nghiệp bán cổ phiếu bằng mệnh giá, thậm chí thấp hơn mệnh giá cũng không ai mua, nhưng có những doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá gấp nhiều lần mệnh giá, thậm chí cao hơn giá thị trường.

Một điểm chung là với những doanh nghiệp có thương hiệu danh tiếng, sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, lịch sử chi trả cổ tức đều đặn, tăng trưởng ổn định qua nhiều năm, giữ vị thế đầu ngành, đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong hoạt động như Vinamilk, Sabeco, VietjetAir, Petrolimex…, việc huy động vốn khi cần thiết thường không khó khăn gì, thậm chí có những nhà đầu tư lớn chủ động mời chào để được tham gia góp vốn, trái ngược với câu chuyện tại nhiều doanh nghiệp nhỏ, làm ăn thua lỗ.

Điển hình như giữa năm 2016, Petrolimex đã hoàn thành việc phát hành thêm qua bán 103,5 triệu cổ phần (tương đương 8%) cho đối tác chiến lược là JX Nippon Oil & Energy Corporation (JXE), tập đoàn xăng dầu hàng đầu Nhật Bản, qua công ty con JX Nippon Oil & Energy Vietnam (JXEV) tại mức giá 39.107 đồng/cổ phiếu. Đợt phát hành mang về cho PLX hơn 4.000 tỷ đồng. Qua đó, Petrolimex đã giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống 75% theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.

Hay đầu tháng 5/2017, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Bảo hiểm Samsung (SFMI), Hàn Quốc. Theo đó, Pjico sẽ phát hành 17,74 triệu cổ phiếu (tương đương 20% cổ phần PGI) cho SFMI với giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi trên thị trường, thị giá PGI lúc cao nhất cũng mới chỉ đạt 25.000 đồng/cổ phiếu.

Gần đây nhất, để huy động 5.000 tỷ đồng chuẩn bị cho giai đoạn 2 Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất và bổ sung vốn lưu động, trong tháng 6/2017, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thực hiện chào bán 252,8 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành, thị giá cổ phiếu HPG vẫn tiếp tục đà tăng. 

3. Khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp sẽ phải chịu sự điều chỉnh của hàng loạt quy định về báo cáo giao dịch, công bố thông tin định kỳ, kiểm toán báo cáo tài chính…

Đặc biệt là sự quản lý, giám sát, phản biện và góp ý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và cộng đồng nhà đầu tư, qua đó tạo áp lực buộc doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

Nếu vi phạm, chế tài xử phạt hành chính có thể không quá lớn, nhưng thương hiệu, uy tín, hình ảnh bị ảnh hưởng, sự tẩy chay của công chúng, mất niềm tin từ đối tác, khách hàng sẽ gây ra những thiệt hại đủ lớn để khiến doanh nghiệp phải e ngại.

Từ áp lực đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận thức và thay đổi toàn diện trong công tác quản trị, điều hành, ngày càng đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực cao hơn, không chỉ trong nước mà còn hướng đến chuẩn quốc tế.

Điều đó chẳng những giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, nhận được sự tôn trọng của đối tác, bạn hàng, mở rộng thị trường, quy mô, cải thiện hiệu quả kinh doanh…, mà còn tìm được cho mình cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.

Qua đó, tiếp thu kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ công nghệ của họ, từng bước hoàn thiện và đổi mới hệ thống quản trị, điều hành theo chuẩn mực hiện đại và thông lệ quốc tế, gia tăng sức mạnh cạnh tranh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các doanh nghiệp lớn hiện nay, như Vinamilk, Petrolimex, Vietcombank… đều có sự góp mặt của các cổ đông là các quỹ, tổ chức nước ngoài có tên tuổi, uy tín, mà sự tham gia của họ đã là một sự đảm bảo cho chất lượng của doanh nghiệp.

Hay quá trình bán vốn, thoái vốn nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp lớn có quy mô tài sản, nguồn vốn hàng tỷ USD như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil… hiện nay, để tìm được nhà đầu tư chiến lược, bước đầu tiên là doanh nghiệp phải cổ phần hóa, niêm yết trên sàn đại chúng. Bởi để thỏa mãn các yêu cầu minh bạch, hiệu quả, việc đáp ứng những tiêu chí đang áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán mới là mức tối thiểu.

Thị giá cổ phiếu tăng hay giảm, vốn hóa tăng hay giảm dường như không ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của một doanh nghiệp, nhưng lại là một thước đo quan trọng đánh giá thành công của doanh nghiệp đó.

Tất nhiên, trong những giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm, nhiều doanh nghiệp dẫu quy mô, hiệu quả hoạt động ổn định, thị giá cổ phiếu vẫn bị giảm mạnh, dẫn đến giá trị vốn hóa của công ty sụt giảm.

Song về dài hạn, giá trị thị trường sẽ phản ánh những gì doanh nghiệp có, tương lai, triển vọng hay rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Với vai trò vừa là người cấp vốn, vừa là người giám sát hoạt động, sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ là nền tảng, chỗ dựa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan