Vốn tư nhân sẽ trở thành nguồn tài chính then chốt cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

Vốn tư nhân sẽ trở thành nguồn tài chính then chốt cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

(ĐTCK) Báo cáo Đánh giá tình hình tài chính cho phát triển với tiêu đề “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa công bố chiều 11/9 đã cho thấy những thay đổi rất đáng chú ý trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam. 

Dư nợ công lớn ẩn chứa nhiều rủi ro

Theo Báo cáo, tổng nguồn vốn cho phát triển ở Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong khoảng hai thập kỷ gần đây, từ mức trung bình 511 USD/người năm 2002 lên đến 1.226 USD/người năm 2015.

Trong cùng giai đoạn đó, đầu tư từ khu vực tư nhân cũng gấp hai lần. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam vẫn còn thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (1.937 USD/người).

Đặc biệt, tỷ trọng nguồn tài chính phát triển so với GDP của Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng sụt giảm kể từ năm 2007.

Đối diện với tình trạng sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu phi viện trợ, vay nợ của chính phủ trong các năm 2010-2015, đặc biệt là vay nợ từ các nguồn trong nước, được sử dụng làm công cụ chủ yếu để trang trải cho bội chi ngân sách và ngăn ngừa một sự sụt giảm hơn nữa đầu tư công, đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về dư nợ công và dư nợ chính phủ.

Theo số liệu tính toán, tỷ trọng nợ công so với GDP tăng từ 50% GDP năm 2011 lên 63,7% GDP năm 2016, làm cho tỷ trọng của Việt Nam - từng ở mức thấp nhất trong các nước ASEAN trong các năm 2000-2005, trở thành mức cao nhất năm 2016 và tỷ trọng nợ chính phủ so với GDP tăng từ 39,3% GDP năm 2011 lên 52,7% GDP năm 2016.

Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững

-  ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP Khu vực châu Á - Thái Bình Dương UNDP

Tỷ trọng nợ công trong nước trong tổng nguồn lực tài chính công tăng từ 15,92% năm 2011 lên 23,49% năm 2015, trong khi tỷ trọng nợ công quốc tế vẫn ở mức tương đối ổn định trong cùng kỳ.

Tình trạng tăng lên nhanh chóng của các khoản vay nợ công trong nước chứa đựng nhiều rủi ro.

Tỷ trọng trái phiếu chính phủ do ngân hàng thương mại nắm giữ lên đến 79,6% cuối năm 2011 và 55,4% cuối năm 2016 khiến suy giảm tính bền vững của các ngân hàng thương mại.

Hầu hết trái phiếu chính phủ Việt Nam trong các năm 2010-2013 đều có kỳ hạn ngắn (hơn 74% có thời hạn 3 năm hoặc ngắn hơn) và có chi phí huy động cao (với lãi suất bình quân hơn 10% cho trái phiếu thời hạn 5 năm), khiến nghĩa vụ thanh toán rất nặng nề. Thậm chí, vào một số thời điểm trong các năm 2014-2016, số này đã vượt quá khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước.

Các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ cũng là một nguồn rủi ro đáng kể nữa đối với tính bền vững của các khoản nợ công.

"Cùng với các khoản nợ xấu và sức ép liên quan lên tính thanh khoản, của hệ thống ngân hàng cho thấy, Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp tái cấu trúc nợ trong nước và rà soát lại chiến lược vay nợ trong nước”, chuyên gia của UNDP cảnh báo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước tiếp nhận nguồn vốn ODA nhiều nhất trong các nước ASEAN (với 37% tổng vốn ODA vào khu vực ASEAN năm 2015). Tuy nhiên, các dòng ODA chảy vào Việt Nam đã giảm đáng kể và ít ưu đãi hơn khi Việt Nam “tốt nghiệp” vay vốn của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) vào năm 2017.

Vốn FDI và kiều hối tăng mạnh

Một điểm đáng ghi nhận được báo cáo chỉ ra là trong khi vốn ODA giảm, thì quy mô dòng FDI vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cho thấy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nguồn tài chính tư nhân quốc tế.

Dòng FDI này cũng duy trì ở mức tương đối ổn định so với các nước khác ở khu vực ASEAN (trừ Singapore). Tuy nhiên, tỷ trọng FDI so với tổng đầu tư ở Việt Nam (và so với GDP) dao động trong giai đoạn nghiên cứu: giảm từ 30,4% năm 1995 xuống 14,2% năm 2004, lại gia tăng trong các năm 2005-2008, lên đến 30,9% năm 2008 trước khi lại sụt giảm và ổn định quanh mức 23,4% tổng đầu tư trong mấy năm gần đây.

Đáng chú ý, FDI ở ngành chế biến, chế tạo chiếm gần 70% tổng FDI vào Việt Nam, cao hơn nhiều so với Philippines (38%) và Indonesia (40%).

Mặt khác, hết sức lý thú, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu trên thế giới về tiếp nhận dòng kiều hối (chỉ xếp thứ hai trong  ASEAN, sau Philippines), với khoảng 2,5% tổng lượng kiều hối toàn cầu năm 2017.

Hàng năm, kiều hối chiếm 6-8% GDP trong các năm 2006-2017 ở Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác (bình quân 1-2% GDP).

Dòng kiều hối này góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ sự phát triển kinh tế của đất nước, làm tăng nguồn dự trữ ngoại hối và cân bằng cán cân vãng lai.

Mở rộng đầu tư tư nhân thành nguồn lực chính

Theo Báo cáo, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm 40% tổng nguồn lực tài chính cho phát triển. Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN, chỉ đạt 490 USD, cách khá xa mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD.

Trong bối cảnh vốn tư công từ ngân sách còn khó khăn, dư nợ công tăng cao, nguồn vốn ODA thu hẹp, ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, rất cần có chính sách thức đẩy đầu tư tư nhân trong nước để biến nguồn lực này trở thành nguồn tài chính then chốt cho thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)”, ông Haoliang Xu nhấn mạnh.

Cụ thể, để cải thiện tình hình, ông Haoliang Xu khuyến nghị Việt Nam sớm thực hiện một số biện pháp, bao gồm khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước; đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án FDI liên kết công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cậu; đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản và thuế môi trường; và xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện SDGs.

Ngoài ra, để bảo đảm các chính sách FDI trở thành một bộ phận khăng khít của chiến lược phát triển quốc gia và phát huy tối đa tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, các chuyên gia UNDP khuyến nghị trọng tâm của nỗ lực thu hút FDI cần chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh:

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là mở rộng nguồn tài chính trong tương lai nhằm đáp ứng các nguồn lực cho tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập bình quân trung bình thấp, các nhà tài trợ quốc tế, song và đa phương đã rút lui nguồn vốn phần nào ưu đãi, tài trợ không hoàn lại. Trong bối cảnh này Chính phủ Việt Nam cần đánh giá tổng thể trong khi nhu cầu lớn, nợ công trong sự xem xét thận trọng, bài toán tài chính trong trung và dài hạn rất quan trọng.

Tin bài liên quan