Nghiên cứu vừa công bố về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện cho thấy, bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp, vốn Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua theo cách đặc biệt là qua các hợp đồng EPC (thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng) hoặc thay đổi xuất xứ.
“Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chúng tôi tiếp xúc cho hay, để tiếp cận thị trường Việt Nam, họ không đầu tư trực tiếp, mà đi 'đường vòng', đó là liên doanh liên kết với một doanh nghiệp tại Hồng Kông hay Nhật Bản, sau đó đầu tư vào Việt Nam dưới danh nghĩa pháp nhân này. Chính vì vậy, để thống kê được dòng vốn chính thức từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất khó khăn”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến. Cụ thể, trong 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4%.
Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong xu hướng đi ra của dòng vốn FDI từ Trung Quốc có nhiều dự án tốt, nhưng lại hướng đến các nước trong khu vực, chứ không vào Việt Nam.
“Các dòng vốn có công nghệ cao từ Trung Quốc thường đến với các nước có nguồn lao động chất lượng cao, trong khi tại Việt Nam tập trung các ngành như khai khoáng, dệt may, hoá chất... vốn có công nghệ cũ”, đại diện VEPR chia sẻ.
Về hình thức đầu tư thông qua hợp đồng EPC, nghiên cứu cho biết, hầu như vốn Trung Quốc vào Việt Nam dưới hình thức hợp đồng tổng thầu EPC đi kèm gói cung cấp dây chuyền công nghệ, tập trung trên 2 lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng, trong đó có những dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương công suất 1200MW với tổng giá trị gói thầu là 1,87 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương với tổng giá trị vốn gói thầu 1,27 tỷ USD... Ngoài ra, còn có hơn 30 dự án nhà máy điện than cùng hàng loạt dự án thủy điện có nhà thầu Trung Quốc tham gia dưới hình thức gói thầu liên doanh, liên kết.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt chia sẻ, từ đầu năm tới nay, xu hướng nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tìm mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng gia tăng.
Ngoài các lĩnh vực trên, dệt may, da giày, chế biến - chế tạo, đặc biệt là chế biến nông sản, cũng được các nhà đầu tư Trung Quốc săn lùng.
“Việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt là cách thức đầu tư thuận lợi và nhanh nhất đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, bởi họ không phải mất nhiều chi phí để thành lập doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng..., mà vẫn có doanh thu, lợi nhuận từ vốn góp đầu tư cổ phần tại Việt Nam. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn phức tạp và có thể kéo dài, xu hướng M&A cũng như góp vốn mua cổ phần các doan nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ còn gia tăng”, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) nhận định.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, lợi thế nguồn vốn của Trung Quốc là lãi suất rẻ, nhưng đi kèm với đó là nhiều loại chi phí như phí thực thi hợp đồng, phí đảm bảo...
"Cần cân nhắc kỹ các khoản vay và dự án thực hiện theo hình thức EPC để tránh các hệ lụy", PGS-TS. Trần Thị Ngọc Quyên, Trường Đại học Ngoại thương khuyến nghị.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, trong điều kiện chuyển đổi công nghệ mới, Trung Quốc có xu hướng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, nhưng quyền lựa chọn nhà thầu, công nghệ, dự án đầu tư là của Việt Nam.
“Chúng ta cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực để lựa chọn nhà thầu, lựa chọn vốn đầu tư, tránh việc ham giá rẻ như trước đây, để lại nhiều hệ lụy như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông”, ông Tuyển khuyến cáo.