Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến hết tháng 11/2018, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ huy động được qua đấu thầu tại HNX đạt 147.000 tỷ đồng, giảm 24,3% so với năm 2017. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 137.300 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78,4% so với kế hoạch huy động điều chỉnh.
Theo Kho bạc Nhà nước, lãi suất trúng thầu trái phiếu giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2017, đặc biệt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, lãi suất huy động bình quân 11 tháng đầu năm là 4,59%, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2018 đạt 12,04 năm, giảm 0,7 năm so với năm 2017...
Ðầu năm nay, kế hoạch huy động vốn trái phiếu chính phủ được Kho bạc Nhà nước công khai với tổng mức phát hành là 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng phát hành này đã được điều chỉnh giảm còn 175.000 tỷ đồng vào đầu tháng 10/2018.
Với việc hết tháng 11/2018, Kho bạc Nhà nước mới huy động đạt 78,4% so với kế hoạch điều chỉnh cho thấy, thêm một lần nữa nhiều khả năng kế hoạch điều chỉnh vẫn không hoàn thành khi chỉ còn hơn một tuần nữa là năm 2018 khép lại.
Những diễn biến trên phát đi những tín hiệu vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu chính phủ giảm đồng nghĩa làm giảm sức ép tăng nợ công. Mặt khác, lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ giảm đáng kể góp phần giảm sức ép trả nợ cho ngân sách.
Việc Nhà nước giảm lượng vốn huy động có khả năng làm giảm sự cạnh tranh trong huy động vốn với khu vực ngoài Nhà nước, từ đó mang lại triển vọng đồng vốn sẽ được dẫn đến những khu vực có khả năng sử dụng hiệu quả hơn.
Tuy vậy, lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu chính phủ giảm khá mạnh cũng đặt ra nhiều mối lo. Ðầu tiên là tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục chậm kéo dài, nhưng thiếu giải pháp khắc phục hữu hiệu, nên tác động tiêu cực đến nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, cũng như tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề này đã được Chính phủ nêu ra tại phiên họp tháng 11/2018, khi 11 tháng đầu năm nay giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tiếp tục ở mức thấp, ước giải ngân chỉ bằng 59,9% so với kế hoạch Quốc hội giao...
Ðáng ngại là nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, ngoài yếu tố khách quan như thời tiết, địa hình phức tạp..., phần nhiều là do nguyên nhân chủ quan chưa được giải quyết dứt điểm như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, năng lực triển khai các dự án...
Trong bối cảnh đầu tư công lâu nay được nhìn nhận là có tác động tích cực trong tạo hiệu ứng lan tỏa ra các khu vực đầu tư ngoài Nhà nước, qua đó kích thích khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng, việc sụt giảm khá mạnh cả về lượng vốn trái phiếu chính phủ huy động và giải ngân là điều đáng quan tâm.
Ðã đến lúc cần có những giải pháp khắc phục hữu hiệu tình trạng này để nguồn tiền huy động qua trái phiếu chính phủ lưu thông hiệu quả, mang lại niềm tin và động lực cho các khu vực kinh tế khác.