CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay vừa thông qua kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay vừa thông qua kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Vốn trái phiếu: Doanh nghiệp không có gì để vay?

(ĐTCK) Nhiều đợt thăm dò nhu cầu mua trái phiếu vẫn liên tục diễn ra trên thị trường, tuy nhiên những công ty này, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, đang gặp các vướng mắc y như thị trường tín dụng.

Cả chục công ty đại chúng quy mô vừa và nhỏ, cùng một số công ty tư nhân liên tục tìm cách phát hành trái phiếu suốt từ đầu quý II đến nay.

Một công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh với Đài Loan kinh doanh bất động sản, có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, đang thăm dò thị trường về nhu cầu mua trái phiếu của công ty mình.

Một DNNN có vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng với ngành nghề chính là dệt may, kinh doanh ngoài ngành bất động sản và đầu tư tài chính, cũng đã chuẩn bị thủ tục từ một vài tháng nay để phát hành riêng lẻ một vài trăm tỷ đồng trái phiếu.

Một DNNN khác thuộc lĩnh vực năng lượng cũng đã làm thủ tục phát hành dưới 1.000 tỷ đồng trái phiếu từ tháng trước cho một ngân hàng cỡ trung.

Trước đó cũng đã có không ít công ty vừa và nhỏ nỗ lực tìm vốn bằng trái phiếu, mức độ sôi động thậm chí còn hơn các DN lớn. Từ đầu quý II, những đơn vị môi giới trái phiếu lớn như CTCK Vietcombank, CTCK BIDV đã cho biết về số lượng 3-5 khách hàng vừa và nhỏ đang làm thủ tục tư vấn để phát hành trái phiếu.

Một vài công ty niêm yết đưa ra kế hoạch công khai như CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, vốn điều lệ 905 tỷ đồng tháng trước đã thông qua kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ “để bổ sung vốn cho các dự án của Công ty”. Kế hoạch của Công ty đưa ra trong bối cảnh Ninh Vân Bay (niêm yết trên HOSE) có hồ sơ không mấy hấp dẫn, cổ phiếu của Công ty vẫn đang thuộc diện bị cảnh báo (kể từ ngày 28/3/2014) sau khi bị kiểm soát đặc biệt do thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa có đợt phát hành trái phiếu nào trong những công ty này được ghi nhận thành công.

Trái phiếu DN, thực chất là một hình thức đi vay vốn ngân hàng, thường dành cho các DN lớn, do có thể cùng lúc huy động một khoản vốn lớn từ nhiều ngân hàng. Nhưng đến nay các DN vừa và nhỏ, dưới sức ép của việc thiếu vốn để tái cấu trúc lại nợ, cũng đang nỗ lực tìm đến công cụ này - việc vay vốn ngân hàng để tái cấu trúc tài chính thông thường sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với việc vay bằng trái phiếu DN.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng vẫn phải xử lý nợ xấu, tránh xa rủi ro, thì dù đi vay bằng trái phiếu, các DN cũng vấp phải những rào cản giống hệt với đi vay trực tiếp ngân hàng: thiếu tài sản đảm bảo, tình hình tài chính kém, nên để vay được là câu chuyện không hề dễ dàng.

Giám đốc tư vấn thu xếp vốn cho một CTCK cho biết, từ đầu năm tới nay, ông đã từ chối một vài DN nhỏ, do thấy không đủ tiềm năng. Ngay đến cả một số DN ông đồng ý tư vấn cũng đã có 2 DN thất bại, trong đó một DN có báo cáo kiểm toán không “sạch” (có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) và một DN thiếu tài sản đảm bảo.

Ngược lại, những DN vừa và nhỏ nhưng đủ an toàn vẫn có thể vay vốn bằng loại công cụ đặc thù dành cho DN lớn này. Gần đây nhất, một CTCP kinh doanh thời trang nội địa đã phát hành thành công hàng trăm tỷ đồng trái phiếu để tái cấu trúc tài chính, nhờ công ty này có sở hữu một bất động sản đủ lớn đem ra làm tài sản đảm bảo. “Các ngân hàng dù nhu cầu mua trái phiếu rất nhiều, nhưng họ cũng rất cẩn trọng, vì họ cũng phải giữ an toàn cho chính mình”, ông nói.

Theo chuyên gia này, thị trường đang rất thuận để phát hành trái phiếu DN. Lợi suất trái phiếu chính phủ sơ cấp vẫn đang duy trì ở các mức thấp kỷ lục: khoảng 5,6 - 6% cho kỳ hạn 2 - 3 năm và khoảng 7% cho kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, đại đa số DN phát hành không nổi, mà một trong nhiều nguyên nhân là “tài sản đảm bảo của các DN đã cạn đi rất nhiều”, ông nói.

Cùng thời gian này năm ngoái, đã có ít nhất 13.000 tỷ đồng trái phiếu DN được phát hành, theo thống kê riêng của ĐTCK. Những thương vụ phát hành “khủng” như thương vụ 7.400 tỷ đồng của Tập đoàn Bất động sản VIPD. Nhưng đến thời điểm này năm nay, mới chỉ có 2.300 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, gồm một đợt phát hành của CII và 2 đợt phát hành của Hoàng Anh Gia Lai.

Những vụ phát hành của các công ty lớn cũng không diễn ra suôn sẻ như năm trước. Đợt phát hành 6.800 tỷ đồng huy động vốn cho Dự án Núi Pháo của một công ty thuộc Tập đoàn Masan đã chào bán trái phiếu từ cách đây gần 3 tháng, nhưng vẫn chưa chính thức kết thúc.

Những công ty lớn như CTCP Tập đoàn Đại Dương, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đã dự kiến phát hành 980 tỷ đồng trái phiếu từ cách đây 2 tháng, tuy nhiên đến nay, kế hoạch này vẫn chưa có thông báo chính thức. Trong khi đó, những thương vụ phát hành lớn và được đánh giá là đủ hấp dẫn như đợt phát hành của Vinacomin đang được các nhà đầu tư trông đợi, nhưng vẫn chưa tiến hành.

Tin bài liên quan