Cụ thể, Quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc công bố sẽ đầu tư cho Startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II năm nay.
Propzy là start-up trong lĩnh vực cung cấp giải pháp thuê – mua bất động sản không trung gian, minh bạch với giá cả hợp lý. DT&I là một trong những quỹ đầu tư của Hàn Quốc hoạt động sớm nhất ở Việt Nam, hiện tập trung vào các lĩnh vực tiêu dùng, di động, nội dung số và công nghệ thông tin.
Quỹ VinaCapital cũng đã trao thoả thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc là Mirae Asset Global Investments và Naver Asia Development Fund ghi nhận kế hoạch đầu tư 100 triệu USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đây không chỉ là dự án đầu tư tài chính, mà còn tạo ra nhiều cơ hội mang tầm quốc tế cho các doanh nghiệp do VinaCapital Venture đầu tư được tiếp cận kinh nghiệm và công nghệ hiện đại.
Đáng chú ý, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng chia sẻ thông tin về quỹ mới nhất của EU dành cho các starup với tổng giá trị giá 3 tỷ Euro.
Cũng tại Diễn đàn, với vai trò đồng chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Golden Gate Ventures đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển start-up và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức SGInnovate ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để tạo lập và phát triển các start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chuyên sâu (deep tech).
Diễn đàn Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. HCM ngày 12/6/2019.
Theo nguồn thống kê của Nikkei Asian Review, hiện Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo AGER 2018 của Amway Việt Nam về tinh thần khởi nghiệp xếp Việt Nam nằm trong top dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và Thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân. Trong số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đã có nhiều startup tên tuổi được khẳng định ở quy mô quốc tế, như VNG (startup Việt Nam đầu tiên được định giá trên 1 tỷ USD), một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận được các khoản đầu tư lớn từ vài chục tới hàng trăm triệu USD như vatgia, Tiki, Sendo, Momo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá là đã phát triển bùng nổ cả về chất và về lượng với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015.
Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures, Mekong Capital… Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup ...
Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Trong đó, có thể kể đến các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tiêu biểu như Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ; CLAS – Expara Vietnam Accelerator được đầu tư bởi Microsoft Việt Nam và quỹ đầu tư KNST tại Đông Nam Á Expara; Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) vừa là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn đầu, vừa là tổ chức thúc đẩy kinh doanh với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Hoạt động này đã gặt hái được những thành công quan trọng bước đầu với việc quy tụ hơn 100 tài năng công nghệ Việt Nam trên khắp thế giới sẵn sàng, kết nối, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia công nghệ trong nước và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau giải các bài toán về công nghệ, giải quyết các thách thức của nền kinh tế.
Sắp tới, song song với việc tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo trong nước với các tổ chức đối tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ mở rộng mạng lưới thông qua việc giới thiệu chương trình học bổng để tuyển chọn và đưa các hạt giống nhân tài Việt Nam đi đào tạo tại các trường hàng đầu trên thế giới.
Một ý tưởng về việc thành lập Quỹ Vietnam Global Innovation Fund đang được hình thành để thực hiện các hoạt động này, và bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều đối tượng liên quan. Đặc biệt, một thông tin rất đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tại Diễn đàn, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia với các quy chế ưu đãi đặc biệt lên Thủ tướng xem xét và phê duyệt. Đây sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ cộng đồng khởi nghiệp trong thời gian tới.
Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, có nhiều thương vụ đầu tư đáng chú ý như Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…
Về kết quả đầu tư, theo báo cáo của Topica Founder Institutes từ năm 2015 - 2018, các thương vụ đầu tư vào các startup Việt không ngừng tăng lên cả về số lượng các thương vụ đầu tư và số tiền đầu tư trong mỗi thương vụ. Nếu như trong năm 2015, tổng số tiền đầu tư trong các thương vụ đầu tư cho startup Việt là 136 triệu USD, thì đến năm 2018, tổng số tiền đầu tư mà các startup Việt nhận được là 889 triệu USD.
Năm 2019, hoạt động đầu tư tại Việt Nam tiếp tục diễn ra hết sức sôi động. Trong nửa đầu năm 2019, hàng chục thương vụ đầu tư đã được công bố với số tiền đầu tư vào các startup Việt ước tính lên đến 208 triệu USD chưa kể các thương vụ lớn chưa được công bố chính xác số tiền đầu tư.
Ví điện tử Momo - startup trong lĩnh vực fintech - nhận được khoản đầu tư lên đến 100 triệu USD vào tháng 1/2019, đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà một startup Việt nhận được. Cùng với đó là sự gia tăng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo.