Dòng tiền trong nền kinh tế luôn có một bộ phận là tiền nhàn rỗi của dân chúng, sẵn sàng đổ vào một lĩnh vực nào đó hứa hẹn mang lại thu nhập… càng nhanh, càng tốt, nhưng lại có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào. Do đó, có thể tạm coi bộ phận dòng tiền này là "nóng".
|
Sóng xô thị trường vàng, USD
Cơn sốt vàng và USD hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 đã đẩy sự sốt ruột của người gửi tiền và nhiều nhà đầu tư ngắn hạn trên TTCK vượt quá giới hạn. Tiền từ ngân hàng và TTCK bị lôi kéo mạnh vào thị trường vàng, USD, khiến cho một mặt, giá vàng và USD thừa cơ kéo nhau leo dốc, mặt khác, đẩy một số ngân hàng nhỏ vào tình trạng báo động về thanh khoản. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (TTLNH) tăng đột biến đến các mức cao chưa từng có. Lãi suất qua đêm thực hiện, có khoản đã lên tới 23 -25%/năm.
Cùng thời gian, TTCK từ chỗ lình xình, bị lôi tuột xuống. HNX-Index lao thẳng xuống dưới ngưỡng 100 điểm, còn VN-Index thì sụt về đáy 426 điểm.
Sóng chuyển bờ xô
Từ cách đây hai tuần, TTCK bất ngờ đảo chiều, tăng điểm. Vào lúc thị trường tăng điểm được một tuần liền, giới quan sát, bao gồm cả những người được coi là chuyên gia, đều "lắc đầu" không hiểu vì sao. Lý do được đưa ra cho sự khó hiểu này là kinh tế vĩ mô vẫn còn nguyên những rủi ro vốn có.
Tuy nhiên, dòng tiền nóng luôn có lý do của nó mỗi khi khởi phát một sự chuyển động mới. Phuơng châm của dòng tiền này luôn là "chuyển động và chuyển động". Suy cho cùng, vận động hay là đứng im thì cũng đều chịu rủi ro kinh tế vĩ mô cả. Vận động thì có cơ hội, thậm chí tạo ra cơ hội, còn bất động thì không. Dòng tiền nóng không cam chịu ngồi yên trước sự chạy đua của lãi suất và lạm phát.
Khi thị trường vàng được can thiệp hạ nhiệt thì cũng là lúc TTCK đã giảm sâu, hàng loạt cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá. Cơ hội thuận lợi tham gia thị trường vàng không còn, trong khi TTCK đang chào đón. Dòng tiền đã chọn TTCK làm bờ xô kế tiếp và các cổ phiếu "nhỏ", giá rẻ là bến chạm đầu tiên.
Sóng gối sóng
Thị trường tăng điểm nhiều phiên liên tiếp tất gây áp lực điều chỉnh kỹ thuật. Ở nơi "chiếu nghỉ kỹ thuật", khoảng VN-Index đạt 455 - 465 điểm, thị trường sẽ kiểm nghiệm lại động lực để hoặc là tăng tiếp, hoặc là thoái giảm.
Tin tốt đã đến đúng lúc này. Đó là cán cân thanh toán được cải thiện bất ngờ, trong đó có việc dòng vốn đầu tư gián tiếp ròng năm 2010 lên đến gần 1 tỷ USD bên cạnh lượng kiều hối tăng mạnh, ước tới 8 tỷ USD khi hết năm nay. Tin này đồng nghĩa với áp lực tỷ giá được xả bớt bên cạnh sự gia tăng của dòng tiền vào TTCK, nhất lại là sự gia tăng của dòng vốn ngoại.
Một ngày sau khi tin tức nói trên lan tỏa, VN-Index trong phiên giao dịch cuối tuần trước bất ngờ tăng đột biến, VN-Index dễ dàng vượt qua mức kiểm chứng nói trên khi tăng một mạch lên tới 473,06 điểm. Cần lưu ý là, ngày trước phiên này, 9/12, thị trường ngoại tệ cũng có một động thái chưa từng có. Đó là, tỷ giá của tất cả các ngoại tệ được niêm yết tại ngân hàng đồng loạt giảm mạnh (trừ USD), với mức giảm cao nhất được ghi nhận là 3,93% (JPY), thấp nhất cũng lên tới 1,86% (GBP). Trên thị trường tự do, giá USD không ngừng giảm và hiện chỉ còn 21.050 đồng/USD. Đây đều là những tín hiệu tích cực với TTCK.
Bao giờ sóng rút?
Thị trường đang lạc quan và háo hức phá các ngưỡng kháng cự tiếp theo. Nhưng VN-Index càng leo cao, càng tiềm ẩn nguy cơ trượt dốc, không chỉ bởi quy luật điều chỉnh kỹ thuật mà còn vì những vấn đề về kinh tế vĩ mô vẫn chưa được thực sự kiểm soát, trong đó, nổi bật là vấn đề lãi suất.
Mặt bằng lãi suất vốn đã rất cao, nay lại bị đẩy lên cao hơn do chính sự nóng lên của TTCK. Trạng thái thanh khoản của một số ngân hàng đã và đang đối mặt với vấn đề giống như khi thị trường vàng, ngoại tệ lên cơn sốt. Trên TTLNH, lãi suất cho vay qua đêm đã nóng trở lại. Trong 10 ngày đầu tháng 12, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng tăng từng ngày và đã đạt mức 13,38%/năm hôm thứ Sáu tuần qua, cao hơn cả đỉnh (chính thức) hồi đầu tháng trước. Trên thị trường tiền gửi, “sự cố Techcombank" đã xảy ra.
Lãi suất cao, có thể gây ra lạm phát đình đốn. Khi đó, TTCK sẽ không chỉ chịu tác động tiêu cực từ các biến số vĩ mô mà còn suy giảm về giá trị cốt lõi là sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết. TTCK có thể sẽ "phản ứng sớm" với nguy cơ này.
Ngoài ra, trong sự tăng tốc của TTCK hiện nay, có thể có bàn tay điều khiển của các "đội lái". Khi đó, mặt trái của khối lượng giao dịch lớn sớm muộn sẽ lộ diện, cũng là lúc sóng chứng khoán… thoái lui.