Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước
Trước hơn 350 nhà đầu tư Nhật Bản tham dự cuộc đối thoại về cơ hội đầu tư tại Việt Nam diễn ra ở Tokyo mới đây, ông Nguyên Duy Long, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp (Nghiệp vụ I), Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đẩy mạnh lộ trình thực hiện cổ phần hóa đối với 254 doanh nghiệp nhà nước thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020, trong đó năm 2017 có 44 doanh nghiệp với giá trị 61.000 tỷ đồng.
Theo ông Long, năm 2018 và 2019 là giai đoạn đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, với 64 doanh nghiệp trong năm 2018, tổng giá trị 106.000 tỷ đồng và năm 2019 là 18 doanh nghiệp, tổng giá trị 121.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch thoái vốn nhà nước, ông Long cho biết, năm 2017, Chính phủ chủ trương thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; giai đoạn 2018 - 2019 sẽ thực hiện thoái vốn tại 241 doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Tài chính cũng chính thức thông tin trực tiếp tới giới đầu tư Nhật về kế hoạch cổ phần hóa và bán vốn tại 5 doanh nghiệp nhà nước lớn là Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát điện 3 thuộc EVN (năm 2018) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (năm 2019), với tổng giá trị vốn chủ sở hữu ước gần 100.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều tên tuổi lớn trong danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn đang nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư nước ngoài được Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước trong năm 2018 bao gồm Vinatex, Vietnam Airlines, Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Vinamilk, Sabeco, Habeco.
Bên cạnh đó, nhiều tổng công ty trong các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, bất động sản, dược phẩm, thép, thương mại, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị… tới đây cũng sẽ nằm trong lộ trình đẩy mạnh thoái vốn của Chính phủ, với mục tiêu dự kiến thu về hàng chục tỷ USD.
Hấp dẫn dòng vốn Nhật
“Những năm gần đây, các tập đoàn lớn của Nhật Bản rất quan tâm và tích cực tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam và đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam như tài chính, ngân hàng, hàng không, năng lượng, dược phẩm.
Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực tiềm năng như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bà Nguyễn Phương Lan, Trưởng phòng Đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.
“Chúng tôi rất mong các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào các dự án đang hoạt động hoặc đề xuất các dự án mới theo danh mục các dự án ưu tiên như phát triển hạ tầng, logistic, dịch vụ hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, sinh học, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…
Đồng thời, hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ”, bà Lan nói.
Trước các thông tin trên, ông Masanobu Nakinishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Sumitomo Mitsui tại Việt Nam cho rằng, đây là những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Nhật tham gia sâu vào tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Việt Nam, vốn được giới đầu tư Nhật rất quan tâm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo ông Nakanishi, Chính phủ nên sớm có giải pháp tháo gỡ một số rào cản cho nhà đầu tư ngoại tham gia hoạt động M&A các doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc giảm khống chế tỷ lệ mua cổ phần.
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết, họ kỳ vọng được nhận chuyển giao công nghệ cao từ phía đối tác nước ngoài sau M&A, đặc biệt là tư các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhưng thực tế, khi nhà đầu tư ngoại chỉ được phép nắm giữ một số lượng hạn chế cổ phần, họ rất ngần ngại chuyển giao toàn bộ công nghệ, bí quyết kỹ thuật cho doanh nghiệp mà chỉ chuyển giao một phần. Vì vậy, rào cản này đã cản trở việc tiếp cận vốn, công nghệ, bí quyết kỹ thuật của doanh nghiệp Việt Nam, cần được gỡ bỏ”, ông Nakinishi đề xuất.
Ông Takashi Sakakibara, đại diện Diễn đàn Hiệp hội Kinh tế Nhật Việt cho hay, có một số tồn tại khác cần được xem xét tháo gỡ để mở rộng cửa cho nhà đầu tư Nhật Bản tham gia sâu vào hoạt động M&A doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.
Theo đó, ông Sakakibara kiến nghị cần xem lại phương pháp định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm đấu thầu và giá bán dành cho nhà đầu tư chiến lược; đồng thời thực hiện đấu thầu công khai cổ phần, giảm mức giới hạn cổ phần do nhà đầu tư ngoại nắm giữ.