Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm lại khiến thị trường khan hiếm hàng hóa hấp dẫn với khối ngoại

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm lại khiến thị trường khan hiếm hàng hóa hấp dẫn với khối ngoại

Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguyên nhân chủ yếu khiến hoạt động M&A cũng như thu hút vốn của nhà đầu tư ngoại chậm lại trong năm qua là những vấn đề nội tại của thị trường Việt Nam như điểm nghẽn pháp lý, thiếu hàng hóa chất lượng.

Vốn vẫn chờ cơ hội

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký Quyết định số 3479, chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung 1/10.000 TP. Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Nội dung điều chỉnh tập trung vào quy mô dân số và các chỉ tiêu đất đai tại phân khu C4, thuộc Khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phân khu C4 có diện tích 1.500 ha, bao gồm toàn bộ xã Long Hưng (1.175 ha) và một phần phía Tây Nam phường Tam Phước - cù lao Phước Hưng (325 ha). Đây là khu vực quy tụ nhiều dự án lớn từ các doanh nghiệp bất động sản như Aqua City do Novaland làm chủ đầu tư, Khu dân cư Long Hưng (227 ha) và Khu đô thị dịch vụ - thương mại cù lao Phước Hưng (286 ha) do Liên hiệp hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) làm chủ đầu tư; Khu đô thị Đồng Nai Waterfront (170 ha) của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long. Thời gian qua, việc chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án dẫn đến sự không đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, buộc nhiều dự án tại phân khu này phải tạm dừng triển khai.

Nam Long là nhà phát triển dự án bất động sản từ lâu đã theo mô hình bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản sau giai đoạn tiền dự án, để có nguồn tài chính vững chắc chuyển sang giai đoạn đầu tư dự án và bán hàng. Với quy hoạch điều chỉnh TP. Biên Hòa, đại diện Nam Long cho biết, pháp lý dự án được củng cố để Công ty có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản vào hai dự án lớn ở Đồng Nai bắt đầu từ năm 2025.

Hồi giữa năm nay, Tập đoàn Mitsui đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược tại Tasco Auto. Các bên không công bố giá trị nhưng thương vụ được kỳ vọng mang lại sự kết hợp giữa các lợi thế hàng đầu của Tasco trong lĩnh vực dịch vụ ô tô tại Việt Nam với kinh nghiệm, mạng lưới quốc tế và tiềm lực mạnh mẽ của Mitsui trên toàn thế giới. Sự kết hợp này sẽ giúp tận dụng tối đa các thế mạnh của cả hai bên để phát triển và mở rộng kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động.

Theo nhận xét của một lãnh đạo đơn vị từng tư vấn M&A với Nhật Bản, khi thị trường biến động mạnh, các nhà đầu tư quốc gia khác có thể bỏ cuộc nhưng nhà đầu tư Nhật Bản thường theo đến cùng và khi đã đặt bút ký thỏa thuận, đối tác Nhật sẽ giải ngân rất nhanh.

Mới đây, Quỹ VIAC Limited Partnership, đơn vị đầu tư trực thuộc Quỹ đầu tư vào Việt Nam của Uỷ ban Đầu tư Quốc gia Oman - Vương quốc Oman đã đạt được đồng thuận với Văn Phú Invest (VPI) về việc chuyển đổi lô trái phiếu thành cổ phiếu khi đáo hạn vào cuối năm nay, qua đó, VIAC sẽ trở thành cổ đông của VPI. Lô trái phiếu có giá trị 690 tỷ đồng, được VPI phát hành từ cuối năm 2021. Giá chuyển đổi là 35.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông báo mới nhất gửi tới các bên liên quan, BB Power Holdings (BBPH) đã nhận được phê duyệt về việc chấp thuận M&A cho dự án năng lượng đầu tiên vào ngày 15/10/2024. Được biết, một lượng lớn cổ phiếu BBPH là tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu 300 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Nam Phương phát hành ngày 18/3/2022. BBPH chưa công bố tên tuổi bên mua, song theo giới tư vấn M&A, bên mua thương vụ nói trên là một tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản. Giữa tháng 11/2024, các nhà đầu tư trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phần BBPH đã nhận được một phần tiền mua lại từ tổ chức phát hành, được cho là tiền bên mua đã bắt đầu giải ngân.

BB Power Holdings hiện đang là chủ đầu tư của một loạt dự án năng lượng tái tạo khu vực miền Trung như Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 công suất 50 MW, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 công suất 50 MW, Nhà máy điện mặt trời Đầm Trà Ổ (Bình Định) công suất 50 MW, Nhà máy điện mặt trời Hanbaram (Ninh Thuận), công suất 117 MW, Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2 (Bình Thuận), công suất 49 MW và các dự án thủy điện: Sông Lô 2, Đăkpsi 3, Đăkpsi 4, Đăk Mi 1.

Sau một giai đoạn bùng nổ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã chậm lại đáng kể. Trong 10 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.669 lượt, với tổng giá trị góp vốn 3,68 tỷ USD, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số thương vụ phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng như tại HDBank, BIDV, LPBank đang chững lại vì dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi. Vì vậy, các thương vụ thành công không chỉ có ý nghĩa với “người trong cuộc” mà trở thành điểm sáng trên thị trường tài chính trong nước.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho M&A

Lý do quan trọng khiến hoạt động M&A, góp vốn cổ phần chậm lại thời gian qua xuất phát từ nội tại thị trường Việt Nam. Một trong những trở ngại cần tháo gỡ để tạo bứt phá cho thị trường M&A Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, là tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chững lại.

“Nhà đầu tư nước ngoài vào mà không biết có thể mua được gì. Quanh quẩn cũng chỉ có một vài mã có thể đưa vào danh mục để giới thiệu cho nhà đầu tư ngoại”, Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nước ngoài chia sẻ.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, thời gian qua, lãi suất VND giảm sâu, tỷ giá VND/USD lại tăng tới 5% dẫn đến hiệu suất sinh lời của nhà đầu tư giảm, kém hấp dẫn so với thị trường khác ở châu Á nên họ phải rút vốn khỏi Việt Nam.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, họ quan tâm đến các mặt hàng chào bán hơn là điều kiện ngắn hạn. Các doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực thiết yếu cổ phần hóa, hay các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực đang dẫn đầu về xu thế thu hút vốn đầu tư hiện nay mới là “món hàng” hấp dẫn.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank, bên cạnh chính sách vĩ mô ổn định, tỷ giá điều tiết tốt, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ để tăng hàng hóa mà nhà đầu tư muốn mua như công nghệ AI, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo.

“Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách, thông điệp mạnh mẽ kêu gọi đầu tư của tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam cũng như hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Tuy nhiên, các công ty công nghệ trong nước chủ yếu là start-up hoặc lấy pháp nhân nước ngoài, nên bên cạnh các giải pháp đồng bộ để tạo hàng thì cũng cần thêm cả thời gian để có thể kỳ vọng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quay trở lại”, ông Khánh nói.

Đối với lĩnh vực bất động sản, điểm nghẽn pháp lý là trở ngại khiến doanh nghiệp không thể huy động vốn, không thể bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Cuối năm trước, Capital Land bỏ ra hơn 5.000 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng khu đất 18,9 ha đất tại Thành phố mới Bình Dương từ Becamex IDC. Với nhu cầu nhà ở của thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng rót vốn nhưng dự án pháp lý sạch sẵn sàng để bán không nhiều, thậm chí là khan hiếm.

Trên thị trường chứng khoán, theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam thường đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành nghề giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài bằng 0, trong khi thực sự không hoạt động gì trong lĩnh vực đó.

“Đây là yếu tố cản trở nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Hải nói.

Chưa kể, những lý do khác như báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa thật sự minh bạch; định hướng phát triển bền vững không được lồng ghép vào chiến lược phát triển… khiến cho nhiều nhà đầu tư ngoại rất quan tâm nhưng chưa tìm được doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí để mua.

Việc Chính phủ đang quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán và hàng loạt động thái chính sách gần đây như kế hoạch sửa đổi các luật quan trọng liên quan hoạt động đầu tư, gồm Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán... dự báo mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn thông qua hình thức M&A.

Để thị trường M&A Việt Nam bứt phá, đòi hỏi các bên liên quan có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao tính minh bạch, khơi thông dòng chảy đầu tư trong nước và quốc tế.

Tin bài liên quan