Áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt khi nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể. Ảnh: Dũng Minh.

Áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt khi nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể. Ảnh: Dũng Minh.

Vốn ngoại và hiệu ứng tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng tiền đồng nếu quy đổi thành USD "vô tình" bị lỗ, nhưng ngược lại sẽ là "món hời" với các khoản vốn ngoại bằng USD chưa chuyển đổi để giải ngân. Dòng vốn ngoại thế nào sẽ phải dựa trên diễn biến tỷ giá thời gian tới.

Chọn tỷ giá hay lãi suất

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bao gồm một số quỹ ngoại theo dõi sát sao xu hướng lãi suất, tỷ giá và biện pháp ứng phó của Chính phủ. Nhìn sang các nước xung quanh, tỷ lệ mất giá của đồng nội tệ khoảng 10 - 12%, Indonesia tầm 7 - 8%, còn Việt Nam khoảng 7% thì chưa quá đáng ngại.

Theo ông Thành, lãi suất là yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn, vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng lên khoảng 7%/năm, thì lãi suất dài hạn khoảng 9 - 10%/năm, cộng thêm biên độ 3 - 3,5%/năm để các ngân hàng cho vay, đa số người dân sẽ không dám vay mua nhà, tiêu dùng, mà thắt chặt lại chi tiêu.

Mới đây, báo cáo “Triển vọng ASEAN: Củng cố tài khóa - Một chặng đường dài” do HSBC công bố có dự báo, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng cho đến quý II/2023 và chạm mốc 7%/năm.

Nếu điều này xảy ra, theo chuyên gia MSVN, sẽ gây tác động đến toàn bộ nền kinh tế, còn tỷ giá chỉ tác động tới một số ngành nghề nhất định. Bởi vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang theo dõi rất sát diễn biến tỷ giá và lãi suất, cùng động thái của cơ quan quản lý. Trường hợp tỷ giá tăng thêm 1 - 2% thì đó là mức chấp nhận được.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư khắp thế giới đều lo ngại, khi đồng USD đi lên, đồng nội tệ sẽ đi xuống. Nếu USD tiếp tục mạnh lên, lãi suất gia tăng, thì xu hướng dòng tiền vẫn là đổ về Mỹ.

Ông Andy Ho nhìn nhận, hiện dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) không dễ mua ròng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế đạt 6 - 7%/năm, định giá cổ phiếu thấp, P/E bình quân là 10 - 11 lần, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng trung bình 15 - 20%, thì dòng vốn sẽ quay lại.

“Tôi tự tin khi nhà đầu tư ngoại rà soát, đánh giá lại các cơ hội trên khắp thế giới. Việt Nam vẫn là một trong những cơ hội đầu tư tốt. Dĩ nhiên, trong ngắn hạn, họ đang phải đối phó với một số thay đổi và tái cơ cấu danh mục. Nhưng khi thị trường chứng khoán biến động nhiều thì có cơ hội đầu tư hấp dẫn. Năm sau, ai cũng thấy Việt Nam hấp dẫn thì có thể đã muộn để tham gia, nên những nhà đầu tư khôn ngoan có thể sẽ đi ngược chiều, ai cũng đi Mỹ thì mình đi Việt Nam”, ông Andy Ho chia sẻ.

Kỳ vọng tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank đánh giá, các quỹ đầu tư nước ngoài bị tác động trực tiếp và rõ ràng hơn từ tỷ giá tăng, nếu như lợi nhuận ghi nhận theo USD. Dù vậy, kỳ vọng tâm lý của các nhà đầu tư sẽ dần ổn định và quan ngại về tỷ giá sẽ giảm bớt khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed kết thúc vào cuối năm nay, hoặc quý I năm sau.

Theo ông Hoàng Linh, áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt trong thời gian tới khi nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể. Xuất siêu liên tục trong 4 tháng tính đến tháng 9/2022, giúp giá trị xuất siêu quý III đạt 5,5 tỷ USD, so với mức nhập siêu gần 1 tỷ USD trong quý II.

Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ từ khối FDI giải ngân đầu tư duy trì đà tăng trưởng cao, giá trị lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15,4 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ.

Một nguồn cung ngoại tệ đáng kể khác cho Việt Nam là khách du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh, đạt gần 2 tỷ USD. Ở thời điểm trước dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế mang lại nguồn thu hơn 10 tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ thêm góc nhìn, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, dòng tiền đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, trước đây do tâm lý ngần ngại VND mất giá nên trì hoãn việc giải ngân. Sau khi VND mất giá mạnh trước động thái nới biên độ của Ngân hàng Nhà nước và cung - cầu ngoại tệ cân bằng trở lại, áp lực dồn nén dần được giải toả, dòng vốn ngoại có thể sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, dù vẫn phụ thuộc vào xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Một điểm cần lưu ý là tiền đồng tuy mất giá so với USD, nhưng lại tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Cụ thể, VND đã tăng 5,4% so với Nhân dân tệ, tăng 7,5% so với đồng Euro, tăng 11% so với đồng won Hàn Quốc và tăng hơn 17% so với yên Nhật.

Việc này đã có tác động tích cực khi giúp giảm giá thành nhập khẩu nhiều loại nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt cho nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, do thị trường cung cấp chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang được hưởng lợi kép từ tỷ giá khi nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trên, nhưng lại có thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ.

Chính vì vậy, ông Hoàng Linh đánh giá, ở góc độ doanh nghiệp, câu chuyện tỷ giá không hoàn toàn bất lợi, mà có thể mang lại một số tác động tích cực.

Vốn ETF vào ròng 9 tháng, rút ròng tháng 9

Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc thu hút dòng vốn ETF, với giá trị vào ròng gần 390 triệu USD. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm sau trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, nhưng các yếu tố nền tảng cơ bản cho tăng trưởng dài hạn vẫn không thay đổi.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI trong thời gian qua tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Foxconn, Intel. Với động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn vững chắc, thị trường chứng khoán Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi và ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, cả trong và ngoài nước.

Theo ông Đức Anh, dòng vốn của các quỹ ETF có tính chất gần với dòng vốn nhà đầu tư cá nhân hơn là dòng vốn của các quỹ đầu tư chủ động, nên phụ thuộc nhiều vào tâm lý cũng như xu hướng thị trường chung.

Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, dù vẫn phụ thuộc vào xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Động thái rút ròng của các quỹ ETF trong tháng 9 vừa qua là không bất ngờ, trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước lao dốc, tâm lý nhà đầu tư hoang mang trước các thông tin tiêu cực liên quan đến Vạn Thịnh Phát, SCB, hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngay khi thị trường xuất hiện các phiên hồi phục trong tuần qua, dòng vốn ETF đã có dấu hiệu mua ròng trở lại.

“Nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF thường có mục tiêu đầu tư dài hạn hơn so với mặt bằng chung và tích cực mua vào, trong bối cảnh thị trường thường xuyên bị định giá thấp - dù có nội tại nền kinh tế cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ổn định ở mức cao”, ông Đức Anh nói.

Liên quan đến dòng tiền từ các quỹ ETF, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, dòng tiền này rất nhạy với diễn biến tỷ giá, chưa kể thị trường chứng khoán thế giới vẫn đang có diễn biến tiêu cực.

Tuy nhiên, động thái rút ròng mạnh tiếp tục các quỹ ETF còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán. Cơ bản tỷ giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng và dòng vốn ETF có thể sẽ còn tiếp tục bị rút ròng trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh chỉ số đo sức mạnh đồng USD mạnh lên, dòng vốn ngoại tiếp tục có xu hướng dịch chuyển ra khỏi thị trường các nước mới nổi và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, Việt Nam lại là điểm sáng thu hút dòng vốn vào thị trường thông qua các quỹ ETF trong giai đoạn vừa qua.

“Tôi cho rằng, với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng mức định giá hấp dẫn so với nội tại và mặt bằng chung các nước khác trong khu vực, cùng triển vọng nâng hạng thị trường trong tương lai, đây sẽ là các yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn thông qua các quỹ ETF”, ông Trần Xuân Bách, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Tin bài liên quan