Thị trường M&A bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.

Thị trường M&A bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.

Vốn ngoại "ưu ái" M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian tới, nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục chảy mạnh thông qua hoạt động M&A, nhất là ở lĩnh vực bất động sản, thương mại điện tử, logistics và năng lượng.

Đó là nhận định của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia, RECOF Corporation (Nhật Bản).

Nhận định của ông về xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam?

Nhìn lại nửa đầu năm 2022, có thể nói đây là khoảng thời gian căng thẳng địa chính trị chưa từng có và lạm phát ở mức báo động trên toàn thế giới đã phần nào tác động tới kinh tế Việt Nam. Trong năm 2021, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ tạm thời, được gọi là “sự bùng nổ sau Covid-19” trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, khi nền kinh tế phục hồi với thu nhập doanh nghiệp được cải thiện.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường trở lại sau dịch, thị trường lao động thế giới diễn biến căng thẳng, tiền lương tăng vọt…, một phần do giá tài nguyên tăng bởi xung đột Nga – Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “không Covid” của Trung Quốc, từ đó lạm phát nhanh chóng lan ra toàn cầu.

Trong khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, một số ý kiến cho rằng, những động thái như vậy sẽ khiến các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dẫn đến suy thoái trong nửa cuối năm 2022.

Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, các công ty có tiềm lực tài chính mạnh có lợi thế lớn trong tìm kiếm cơ hội M&A. Giá cổ phiếu giảm đã làm giảm định giá bên bán xuống mức hợp lý hơn, trong khi các công ty Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và năng lực tài chính của họ ngày càng được củng cố vững chắc, bất chấp sự biến động của thị trường tài chính. Ngoài chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, các công ty Nhật Bản đang tăng cường sự độc lập về tài chính và không có mối lo ngại lớn về khả năng tài trợ cho các khoản đầu tư của họ.

Chúng tôi cũng tin rằng, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc để hỗ trợ các hoạt động M&A. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương). Nền kinh tế mở rộng với tốc độ tăng trưởng GDP 7,72% trong quý II/2022, nhanh nhất kể từ năm 2011 và đà tăng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm 2023, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải trong hoạt động M&A tại Việt Nam là gì, theo ông?

Ông Masataka “Sam” Yoshida.

Ông Masataka “Sam” Yoshida.

Trong những năm gần đây, phần lớn công ty Nhật Bản khi bắt đầu xem xét các giao dịch M&A tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu thông tin (báo cáo nghiên cứu, thống kê, cơ sở dữ liệu…) về các doanh nghiệp và ngành công nghiệp tại thị trường mới mà họ tham gia, mà nguyên nhân chính xuất phát từ quy trình ra quyết định từ dưới lên.

Họ thường yêu cầu lượng thông tin quá lớn trước khi đưa ra quyết định, gây áp lực lên bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) với quá nhiều yêu cầu cung cấp thông tin.

Các yêu cầu về quản trị và tuân thủ cũng trở nên chặt chẽ hơn ở Nhật Bản, đặc biệt đối với các công ty niêm yết và các công ty Nhật Bản vẫn thận trọng với các thông lệ địa phương ở Việt Nam mà họ chưa quen thuộc, chẳng hạn như việc có 2 sổ sách kế toán, cho dù mức độ hiểu biết của họ về các thông lệ địa phương đã được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, các công ty Nhật Bản có xu hướng dựa vào hệ thống quản lý và lập kế hoạch kinh doanh, những hệ thống này rất hữu ích trong việc kiểm soát quản lý sau khi mua lại, cũng là cơ sở để giải thích cho việc định giá cao hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như không quan tâm nhiều đến những “công cụ” này, có lẽ bởi ở Việt Nam, nơi nền kinh tế tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm trong những năm gần đây, các doanh nghiệp không cần những công cụ này để phát triển doanh nghiệp.

Theo quan điểm trên, rất khó để nói bên nào (các công ty Nhật Bản hay Việt Nam) cần thay đổi, nhưng chúng tôi đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa 2 bên để các giao dịch diễn ra thành công.

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại, trong đó có Nhật Bản. Liệu thị trường M&A địa ốc có sôi động trong những tháng cuối năm 2022, bất chấp chủ trương kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực này?

Việc mặt bằng lãi suất trong xu hướng tăng trở lại và các ngân hàng thắt chặt hơn cho vay lĩnh vực bất động sản khiến thị trường vay nợ hạ nhiệt và trở nên kém tự do hơn so với những năm gần đây.

Tuy nhiên, điều này mang lại cơ hội thực sự cho hoạt động tài trợ vốn cổ phần và hoạt động M&A. Đối với bên bán, khi vốn ngân hàng ngày càng đắt đỏ, các công ty bất động sản Việt Nam đang tìm kiếm khả năng hợp tác với các nhà đầu tư tài chính dồi dào tiền mặt hoặc các nhà phát triển dự án nước ngoài.

Với bên mua, các chính sách thắt chặt cho vay của ngân hàng trong nước dường như không ảnh hưởng nhiều đến chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài do nhu cầu và các yếu tố cơ bản của thị trường Việt Nam vẫn vững chắc. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt đang nắm lợi thế lớn trong các thương vụ mua lại.

Ngoài bất động sản, lĩnh vực nào tại Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng M&A gia tăng?

Kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện tới nay, chúng tôi nhận thấy mối quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics và năng lượng.

Nhu cầu gia tăng nhanh chóng trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh “không tiếp xúc” càng làm tăng sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam và số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng cũng tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan như dịch vụ giao hàng tận nhà và kho bãi.

Một lĩnh vực đáng chú ý khác là logistics, nơi Việt Nam đang tự khẳng định là một lựa chọn phù hợp để tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty logistics địa phương đang được săn đón, bằng chứng là mới đây, Mitsubishi Logistics Corporation có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã mua lại 14% cổ phần của Tập đoàn Logistics In Do Trans của Việt Nam.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, căng thẳng đang gia tăng giữa nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch và an ninh của nguồn cung cấp năng lượng, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy các thương vụ giao dịch khí đốt tự nhiên thúc đẩy an ninh năng lượng trong ngắn hạn và trung hạn, kết hợp với hoạt động M&A hỗ trợ giảm phát thải trong dài hạn.

Ví dụ, JERA - hãng phát điện lớn nhất Nhật Bản, có kế hoạch chi khoảng 15 tỷ yên (tương đương 112 triệu USD) để mua 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Điện Gia Lai nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tin bài liên quan