Mặc dù tháng Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cao nhất trong năm, nhưng khác với những năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 dự kiến tăng rất nhẹ. Điều này tác động đến TTCK trong ngắn hạn ra sao, thưa bà?
CPI của Hà Nội và TP. HCM trong tháng đầu năm 2014 ghi nhận mức tăng lần lượt 0,7% và 0,4% so với tháng 12/2013. Theo đó, nhiều khả năng, CPI tháng 1 cả nước sẽ chỉ tăng 0,6 - 0,7% so với tháng 12/2013, tương ứng khoảng 5,3 - 5,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Tôi cho rằng, bên cạnh nỗ lực từ phía Chính phủ và NHNN với việc điều tiết tốt cung tiền thì sức cầu tiêu dùng phục hồi yếu hơn mong đợi cũng là nguyên nhân chính kìm hãm mức tăng của chỉ số CPI. Các chỉ báo về điều này cũng đã được thể hiện khá rõ trong năm 2013 khi tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 12,6% và 5,6% nếu loại trừ yếu tố giá. Con số 12,6% không chỉ là mức thấp nhất trong khoảng 4 năm trở lại đây mà còn kém xa mức trung bình khoảng 20% trong các năm 2011 trở về trước.
Theo đó, trong tháng đầu năm 2014, mặc dù là tháng cận Tết, sức cầu tiêu dùng có sự cải thiện nhất định nhưng cũng khó có thể ghi nhận sự bứt phá mạnh. Trong khi đó, từ góc độ TTCK, do điều này đã được thị trường cũng như các nhà đầu tư dự đoán và nhìn thấy từ trước, hay nói cách khác, thị trường đã phản ánh hầu hết điều này vào giá cổ phiếu, nên tôi cho rằng, tác động đến TTCK của thông tin này là không nhiều. Phiên giảm điểm tương đối mạnh của thị trường ngày 22/01 chủ yếu là do tâm lý chốt lời và nghỉ ngơi của các nhà đầu tư khi chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là thị trường sẽ đóng cửa với một kỳ nghỉ kéo dài.
Khối ngoại liên tiếp mua ròng trong thời gian qua được xem là một nhân tố hỗ trợ nâng đẩy thị trường. Bà có nhận định ra sao về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Từ đầu năm 2014 đến nay, chỉ sau chưa đầy 3 tuần giao dịch, thị trường đã ghi nhận mức tăng điểm ấn tượng, gần 11% với VN-Index và hơn 8% với HNX-Index, trong đó phải kể đến sức mua mạnh, liên tục và bền bỉ của các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi đánh giá TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại trong năm 2014.
Sự hấp dẫn này trước hết đến từ sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014, đặc biệt là lạm phát và tỷ giá. Thêm vào đó, nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp nói riêng cũng đang hứa hẹn một năm thành công hơn so với năm 2013 vừa qua.
Về yếu tố mặt bằng giá, chỉ số P/E của sàn HOSE vào cuối năm 2013 chỉ vào khoảng 12,5, vẫn đang thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. Với nhận định như vậy, tôi cho rằng, một kịch bản tương tự như sau Tết dương lịch 2013 có thể sẽ lặp lại, động thái mua ròng mạnh của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tập trung nhiều tại cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ bản tốt và từ đó tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho đà tăng điểm của thị trường.
Ngày 24/1, BIDV sẽ chính thức lên sàn. Nếu đánh giá một cách tổng quan, việc niêm yết của ngân hàng này sẽ tác động ra sao đến TTCK nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng?
BIDV là tổ chức tín dụng có tổng tài sản lớn thứ 2 hệ thống ngân hàng Việt Nam, do đó chúng tôi cho rằng, sự kiện cổ phiếu BIDV lên sàn sẽ thu hút được sự quan tâm đáng kể của thị trường. Với vốn hóa thị trường lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 xét về quy mô trên sàn HOSE, biến động của cổ phiếu BIDV sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số chung. Ở mức giá chào sàn 18.700 đồng/CP, P/B của cổ phiếu BID là 1,5; cao hơn trung bình ngành và cao hơn P/B của hai ngân hàng TMCP có cổ đông nhà nước chi phối và quy mô tương đương là VCB (1,4) và CTG (1,2), chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ có sự so sánh tương quan để đưa ra lựa chọn đầu tư.
Riêng đối với dòng cổ phiếu ngân hàng, VCBS cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2014 tuy sẽ có sự cải thiện nhẹ so với 2013 nhưng khó tạo đột phá khi nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng lên lợi nhuận. Việc BIDV niêm yết sẽ giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn đối với cổ phiếu ngân hàng niêm yết, nhưng chưa thể hiện một tín hiệu tích cực đối với triển vọng ngành, do đó tác động tích cực lan tỏa từ việc niêm yết này tới nhóm cổ phiếu có thể không nhiều. Việc các cổ phiếu ngân hàng tăng điểm tốt trong những phiên gần đây phần lớn chịu tác động bởi dòng vốn ngoại chảy vào thị trường. Với các quỹ đầu tư nước ngoài thì ngân hàng vẫn luôn là một trong những lĩnh vực đáng chú ý, đặc biệt là đối với các ngân hàng có kết quả khả quan hơn so với trung bình ngành.