Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ/tái bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường hiện đều có cổ đông chiến lược nước ngoài, thông qua sở hữu trực tiếp cổ phần như PJICO, PTI, Bảo Minh, Vinare, hoặc sở hữu gián tiếp cổ phần thông qua công ty mẹ như PVI, Bảo Việt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI cho biết, về cơ bản, PVI ghi nhận đóng góp của cổ đông chiến lược nước ngoài, mà đại diện là HDI Global SE (HDI - cổ đông lớn nhất đang sở hữu 36,5% vốn của PVI).
“Cổ đông ngoại trong suốt thời gian gắn bó với PVI đã thực hiện cố vấn, tư vấn chiến lược trong quản trị, đầu tư cho Công ty”, ông Tuấn nói.
Theo HDI, trước đây, Công ty mua 25% vốn của PVI, sau đó mua lại Funderburk Lighthouse Litmited - cổ đông sở hữu 11,5% PVI. Theo đó, HDI hiện đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 47,31% cổ phần PVI, thậm chí tỷ lệ sở hữu lên đến hơn 50% nếu tính cả lượng cổ phần sở hữu gián tiếp thông qua một số tổ chức, cá nhân khác.
Ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) chia sẻ, thương vụ bán 20% cổ phần cho cổ đông nước ngoài là Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd (SFMI) chính thức hoàn tất vào tháng 8 năm ngoái nên hiện chưa thể biết những đóng góp cụ thể về mặt doanh thu của cổ đông này. Tuy nhiên, hai bên đã phối hợp chặt chẽ với nhau, chia thành từng nhóm để triển khai các đầu công việc, lập Ban điều phối, Ban chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ với SFMI theo thỏa thuận hợp tác đã ký trong mảng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin, đào tạo…
Năm 2018, PJICO sẽ tận dụng tối đa các cam kết hỗ trợ của cổ đông chiến lược SFMI, cụ thể là phát triển sản phẩm bảo hiểm mới Mobile Phone Insurance; triển khai các thỏa thuận đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm; phát triển các kênh bán lẻ cho cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam; đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm online, qua ngân hàng…
Ở chiều ngược lại, cổ đông ngoại tại PVI và Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) có đánh giá cao về doanh nghiệp đang sở hữu cổ phần.
“Với việc mua 25% cổ phần PVI (cách đây 7 năm - PV), chúng tôi đã chấp nhận trả giá cao hơn giá thị trường vì tin tưởng vào sự tăng trưởng của Việt Nam cũng như PVI. Chúng tôi mua tương lai của PVI”, ông Ulrich Heinz Wollschlager, đại diện HDI nói tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của PVI.
Tại Đại hội đồng cổ đông Vinare, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, đại diện cổ đông Swiss Re, ông Deepak Mohan bày tỏ sự tin tưởng, Vinare sẽ tiếp tục phát triển và đạt được những thành công mới.
“Vinare đã định hướng đúng đắn là duy trì kỷ luật khai thác kinh doanh, tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ, xây dựng và hoàn thiện các quy chế nội bộ để phục vụ phát triển trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng ở Vinare”, ông Mohan nói.
Ông Ulrich Heinz Wollschlager cho biết, khi tỷ lệ sở hữu (room) cổ phần dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại PVI được nới tối đa, HDI sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối. HDI sẽ tiếp tục dùng năng lực nhân sự của PVI và không quên những người đã giúp phát triển tương lai cho PVI.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI thẳng thắn chia sẻ, tuy ghi nhận những đóng góp, nhưng ông chưa hài lòng về cổ đông ngoại sau hơn 5 năm hợp tác.
“Không phủ nhận những đóng góp của cổ đông chiến lược ngoại từ khi vào PVI liên quan đến hỗ trợ tài chính, tư vấn chiến lược…, nhưng chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn thế. Cả tôi và Tổng giám đốc PVI đều mong cổ đông ngoại trực tiếp tham gia quản trị cùng các hoạt động trực tiếp khác”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số công ty thành viên của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) than thở, sau khi có cổ đông nước ngoài, lợi ích chưa thấy đâu nhưng hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do cổ đông ngoại yêu cầu siết chặt các khoản chi phí, khó chấp nhận những khoản hoa hồng - khoản chi phí không thể thiếu trong kinh doanh bảo hiểm.