Một nhà đầu tư Thái Lan lên sàn tìm hiểu về chứng khoán Việt Nam

Một nhà đầu tư Thái Lan lên sàn tìm hiểu về chứng khoán Việt Nam

Vốn ngoại sẽ sớm chảy mạnh trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi lãi suất trên toàn cầu có dấu hiệu chạm đỉnh và kỳ vọng giảm dần vào cuối năm 2023, đây là cơ sở để dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên và đang phát triển, trong đó Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.

Tiền đang quay lại thị trường cổ phiếu châu Á

Sau giai đoạn rút ròng mạnh từ các thị trường khác vào cuối năm 2022, dòng tiền chảy về Mỹ đã giúp USD tăng giá so với các đồng tiền khác, sau đó hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khi lãi suất được cho là sắp chạm đỉnh và các nhà hoạch định chính sách có thể sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Dựa trên kỳ vọng đó, dòng tiền cũng từng bước quay trở lại các quỹ đầu tư cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, theo SSI Research, trong tháng 6/2023, dòng tiền nộp ròng vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 5 lần so với tháng 5 và lũy kế 6 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu đã thu hút được 41 tỷ USD, đảo ngược từ việc rút ròng 14 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2022.

Tại châu Á, đối với thị trường mới nổi, mặc dù vẫn được mua ròng 7,4 tỷ USD trong tháng 6/2023 và duy trì trạng thái mua ròng 11 tháng liên tiếp, nhưng tốc độ giải ngân đã chậm lại do triển vọng kinh tế kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ. Ngược lại, dòng tiền vào các thị trường cận biên vẫn khá tích cực nhờ việc phân bổ lại danh mục đầu tư của các quỹ như Ấn Độ là 1,4 tỷ USD, Việt Nam là 17,8 triệu USD, Indonesia là 5,1 triệu USD…

Ngoài ra, khảo sát mới đây của Bank of America cho thấy, các nhà quản lý quỹ vẫn có sự thận trọng nhất định, cho dù tỷ trọng tiền mặt đã giảm từ 5,6% (tháng 5) xuống 5,1% (tháng 6), song đây vẫn còn là mức cao và việc phân bổ vẫn đang nghiêng về các tài sản an toàn như trái phiếu hay cổ phiếu giá trị.

Đáng chú ý, Ấn Độ đang nổi lên như là “điểm sáng” trong khu vực châu Á khi cho thấy dấu hiệu hút mạnh dòng tiền, góp phần giúp thị trường chứng khoán nước này tăng trưởng mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm 2023.

Thực tế, mặc dù lãi suất tại Mỹ và châu Âu chưa giảm nhiều, nhưng áp lực lạm phát giảm nhanh đã thúc đẩy kỳ vọng giảm lãi suất, vì đây là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ trong giai đoạn cuối năm nay.

Trái ngược với khu vực châu Âu và Mỹ, một số quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ sớm thực hiện hạ lãi suất. Ngân hàng Nomura dự báo, các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sớm tách khỏi chu kỳ tăng lãi suất của Fed và thực hiện chính sách cắt giảm trước Fed. Trong đó, sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất, dự kiến sẽ tới lượt Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Ấn Độ… thực hiện việc cắt giảm.

Ngoài ra, các nhà kinh tế của HSBC dự báo, Indonesia sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất khi có “cảm giác rõ ràng” rằng lãi suất của Fed đã đạt đỉnh. Capital Economics cũng nhận thấy, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 8 tới, khi lạm phát đã giảm xuống 2,7% trong tháng 6, mức thấp nhất trong 21 tháng qua.

“Các ngân hàng trung ương châu Á có đủ khả năng để thực hiện các chính sách tiền tệ trong 12 tháng tới so với Fed. Đó là điều tự nhiên vì quy mô các nền kinh tế khu vực này đang ngày càng lớn. Thị trường vốn của châu Á ngày càng phát triển hơn nên ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, chưa kể có một thị trường nội địa lớn hơn”, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nomura đánh giá khả năng thực hiện hạ lãi suất của các nước châu Á trong giai đoạn cuối năm 2023.

Có thể thấy, châu Á với sức mạnh kinh tế và thị trường ngày một rộng lớn đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Việc lãi suất có dấu hiệu đạt đỉnh và các ngân hàng trung ương ở châu Á có động thái sớm thực hiện chính sách kích cầu được cho là sẽ giúp dòng tiền tiếp tục đổ vào khu vực này khi mặt bằng lãi suất ổn định hơn.

Việt Nam - điểm đến hấp dẫn

Đối với giao dịch khối ngoại, mặc dù bán ròng nhẹ 389 tỷ đồng trong tháng 6, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì mua ròng khoảng 1.687 tỷ đồng (nếu loại bỏ các giao dịch thỏa thuận đột biến, giá trị mua ròng là 3.200 tỷ đồng).

Thực tế, sau 6 tháng đầu năm 2023, dòng tiền đã quay lại một số quốc gia châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Theo dữ liệu của SSI Research, nhóm quỹ ETF đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 257 tỷ đồng trong tháng 6, nâng tổng số tiền giải ngân vào thị trường trong nửa đầu năm 2023 lên 5.840 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền từ các quỹ ETF bị phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và trong quá khứ, tiền chỉ chảy mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.

Đối với giao dịch khối ngoại, mặc dù bán ròng nhẹ 389 tỷ đồng trong tháng 6, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì mua ròng khoảng 1.687 tỷ đồng (nếu loại bỏ các giao dịch thỏa thuận đột biến, giá trị mua ròng là 3.200 tỷ đồng).

Như vậy, bức tranh giao dịch và dòng tiền của khối ngoại tiếp tục là điểm nhấn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trong nửa đầu năm 2023. Xét về định giá, theo dữ liệu SSI iBoard, tính tới ngày 12/7/2023, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam theo P/E của chỉ số VN-Index vẫn chỉ là 13,66 lần, thấp hơn vùng đỉnh trong quá khứ với P/E trung bình từ 20 - 22 lần, nên còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Ngoài ra, theo chiến lược giao dịch phổ biến Carry Trade, khi thị trường lãi suất ổn định và trong xu hướng giảm, nhà đầu tư sẽ tận dụng vay tiền của quốc gia có chi phí thấp và cho vay ở quốc gia có lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Mặt khác, khi lãi suất ở các nước phát triển ổn định ở mức thấp, nhà đầu tư có xu hướng mang tiền sang đầu tư ở các nước đang phát triển với lãi suất cao và cơ hội đầu tư lớn hơn.

Quay trở lại quá khứ, giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2013 - 2016, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam liên tục đón nhận dòng vốn giá rẻ từ Nhật Bản, Hàn Quốc… đổ vào nhằm mục đích hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn.

Như vậy, nếu như giai đoạn cuối năm 2023 ngân hàng trung ương các nước phát triển bắt đầu hạ lãi suất, cũng như động thái tương tự ở các quốc gia châu Á, điều này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đón nhận một dòng vốn tương đối lớn đổ vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán, khi định giá vẫn còn hấp dẫn so với khu vực.

Thực tế, ngay từ đầu năm nay, khi kinh tế gặp khó khăn, từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các công ty bất động sản gặp khó về thanh khoản, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ, từ việc hạ lãi suất điều hành, đẩy mạnh đầu tư công… đến từng bước gỡ vướng thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, giai đoạn cuối năm được kỳ vọng là thời điểm các chính sách hỗ trợ bắt đầu “ngấm” dần, tạo cơ sở thu hút các dòng vốn để nâng đỡ nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.

Tin bài liên quan