Vốn ngoại săn tìm công ty tài chính qua M&A

0:00 / 0:00
0:00

Làn sóng mua-bán (M&A) công ty tài chính bị gián đoạn do Covid-19. Song, với tiềm năng tăng trưởng tốt, khả năng sinh lời cao, các công ty tài chính vẫn lạc quan trong việc tìm kiếm đối tác M&A.

Tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư.

Tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư.

Tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Phòng Dịch vụ ngân hàng đầu tư (Công ty cổ phần Chứng khoán VPS) nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là tài chính tiêu dùng.

Tại mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng đã tuyên bố kế hoạch bán công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại như VPBank (thoái vốn tại FE Credit), SHB (thoái vốn tại SHB Finance), MSB (thoái vốn tại FCCOM). Tất cả các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng kể trên đều được các đối tác ngoại tấp nập hỏi mua. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ đang bị chững lại vì dịch bệnh.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay: “Việc đàm phán đang chững lại do dịch bệnh, song quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới, bởi FE Credit là công ty hấp dẫn nhất trong ngành tài chính tiêu dùng”.

Được biết, trong 3 thương vụ nói trên, MSB đã cơ bản thống nhất với Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc (FCCOM). Tuy vậy, đến nay, hồ sơ chuyển nhượng của MSB vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Ngoài sự quan tâm của các đối tác ngoại, M&A công ty tài chính còn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ bởi sự quan tâm của nhiều đối tác nội. Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước cũng đã nhiều lần hé lộ kế hoạch ‘săn tìm” và mua lại công ty tài chính tiêu dùng, như TPBank, ACB, OCB…

Lãnh đạo TPBank cho hay, ngân hàng này hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và đàm phán với đối tác để cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch này đang chậm hơn so với tiến độ kỳ vọng do có một số thay đổi về quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác.

Theo ông Vũ Lê Trung (Công ty Luật VINAF), công ty ông đã đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn có quan tâm đến việc mua cổ phần các công ty tài chính ở Việt Nam. Ông Trung cho rằng, thời gian tới, việc mua bán, sáp nhập công ty tài chính sẽ diễn ra sôi động hơn so với lĩnh vực ngân hàng do các điều kiện mà Chính phủ đặt ra đỡ khắt khe hơn.

Thị trường sẽ khó sôi động trở lại trước năm 2021

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm, kết quả kinh doanh của nhiều công ty giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều đối tác chiến lược đang đàm phán cũng gặp khó khăn và phải cân đối lại dòng tiền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những bất lợi này chỉ khiến thị trường M&A công ty tài chính chậm lại một nhịp và sẽ sớm sôi động trở lại.

“Tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào việc kinh tế Việt Nam phục hồi ra sao, vì kinh tế phục hồi thì vay tiêu dùng mới phát triển. Tôi cho rằng, sớm nhất cũng phải sau năm 2021, tình hình kinh tế mới khả quan và khi đó, M&A trong lĩnh vực này mới có thể ấm trở lại”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Đại diện FE Credit cho biết, công ty này kỳ vọng thương vụ chào bán cổ phần sẽ hoàn tất vào năm 2021. Dù kết quả kinh doanh năm 2020 sút giảm so với năm trước do dịch bệnh, song FE Credit vẫn giữ nguyên giá bán mục tiêu so với trước dịch, do tin tưởng vào tiềm năng thị trường cũng như lợi thế của Công ty.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng nhận định, khó có khả năng các ngân hàng chấp nhận bán rẻ công ty tài chính để đẩy nhanh thương vụ. Hiện nay, việc xin cấp phép thành lập công ty tài chính tiêu dùng là rất khó. Vì vậy, để tham gia thị trường này, nhà đầu chỉ còn cách thông qua M&A. Chính vì vậy, tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh màu mỡ mà nhiều ngân hàng cất làm “của để dành”, chỉ bán khi giá cả thị trường thuận lợi.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thay vì bán rẻ, các ngân hàng sẽ tập trung tăng cường quản trị rủi ro, cơ cấu lại hoạt động và phân khúc khách hàng, cơ cấu lại danh mục sản phẩm… của công ty tài chính để đợi cơ hội bán vốn khi thị trường khởi sắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nhiều khả năng, M&A trong lĩnh vực này sẽ nóng trở lại, song việc thị trường nóng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nền kinh tế.

Báo cáo mới đây của FiinGroup cũng cho biết, năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng lần đầu tiên trong một thập kỷ ghi nhận tăng trưởng ở mức một con số. “Tuy nhiên, với tiềm năng tăng trưởng lớn, thị trường này vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, báo cáo của FiinGroup viết.

Tin bài liên quan