Vốn ngoại “săn mồi” nhiều công ty tư nhân

Vốn ngoại “săn mồi” nhiều công ty tư nhân

(ĐTCK) Hơn 1 tỷ USD là giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, tính trên cả giá trị cổ phiếu và trái phiếu. Triển vọng gọi vốn với các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan hơn, nhưng nhìn một cách tổng quát, để những dòng vốn mới hay các nhà đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam, cần thêm nhiều nỗ lực nữa.

Gạn tìm địa chỉ tốt

Cho đến thời điểm này, tổng giá trị danh mục đầu tư mà VinaCapital quản lý tại Việt Nam lên đến 1,8 tỷ USD. Trên trang web của công ty quản lý quỹ, gần đây xuất hiện nhiều bản phân tích về kinh tế Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại được nhắc đến chưa nhiều. Có thể,  họ chưa có những cái tên mới để công bố, dù tiền rất sẵn trong hầu bao.

Chiến lược mới mà VinaCapital theo đuổi là tìm kiếm các công ty tư nhân có nền tảng tốt, có tiềm năng phát triển để rót vốn. Trước đây, họ rót khá nhiều vào các công ty đã niêm yết trên sàn. Những ngành hấp dẫn nhà đầu tư có tới 14 năm kinh nghiệm tại Việt Nam được liệt kê gồm tiêu dùng, sản xuất hàng thiết yếu…

Vốn nước ngoài mua ròng giá trị lớn, nhưng quan sát của những người trong ngành lại cho thấy, giá trị mua ròng vận động loanh quanh những tên tuổi đã có mặt tại Việt Nam, đến từ các quỹ cận biên, những dòng vốn lớn thực sự có quy mô chưa góp mặt. Chẳng hạn, Quỹ AFC có quy mô đầu tư vào Việt Nam 70 triệu USD đã rót thêm khoảng 10 triệu USD gần đây, hay một số quỹ đến từ Milan (Ý)… đã tăng quy mô vài triệu USD vào thị trường này.

Các nhà đầu tư nước ngoài chưa mấy quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam có nhiều lý do, nhưng một trong số đó là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ. Chỉ có 20 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán, 4-5 công ty chứng khoán, khoảng chục ngân hàng là đối tượng phản ánh trong mảng chững khoán của những tờ báo tài chính trên thế giới đang có sự hiện diện tại Việt Nam như Bloomberg, Reuters… Các quỹ mới nổi chưa thấy có những gương mặt đáp ứng đủ điều kiện còn các quỹ cận biên, họ chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp tư nhân.

Đại diện Red River Holding (RRH), quỹ đầu tư đến từ Pháp đã đánh giá: "Việt Nam hiện đang có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn. Để tăng quy mô thị trường, cần nối dài danh mục những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng bền vững mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn".

Khẩu vị của các nhà đầu tư nước ngoài ở một thị trường dân số trẻ như Việt Nam không quá khó để nhận ra. Cũng  vẫn quanh quẩn ở các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, gần đây thêm logistic và vật liệu xây dựng.

Nhà đầu nước ngoài cũng quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chuẩn bị cổ phần hóa, các đợt thoái vốn quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước, nhưng cách thức bán vốn lại khó đưa họ rót vốn vào Việt Nam. 

Trước khi phiên chào bán cổ phần Vinamilk hồi cuối năm ngoái diễn ra, một số quỹ đầu tư nước ngoài gọi điện cho người viết hỏi rằng, cách thức đăng ký tham gia như thế nào? Tất nhiên, họ có thể đăng ký tham gia, nhưng thông tin cho tiết về cách thức lại chỉ được công bố trước khi phiên chào bán diễn ra có vài ngày, thời gian không đủ để họ quyết định một vấn đề quan trọng.

Nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu bia qua thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco, nhưng họ cũng không quá kỳ vọng, vì e ngại  cách thức bán vốn sẽ tương tự như Vinamilk trước đây.

Cải thiện năng lực quản trị vốn

Chính phủ Việt Nam đã khá thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định này tiếp tục được duy trì sẽ là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital đã nói như vậy trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam gần đây.

Bản thân Dragon Capital cũng đổ vốn đáng kể vào một số doanh nghiệp, đơn cử đợt đấu giá 120 triệu cổ phần của Tổng công ty Viglacera hồi tháng 5 vừa qua.  Tuy nhiên, trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài này, các doanh nghiệp gọi được vốn cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trong đó có cả việc quản trị vốn.

Thực tế, có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, dưới sức ép của họ, doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về quản trị nhưng để cỗ máy doanh nghiệp chạy đúng đường ray lại không đơn giản. Tổng giám đốc một quỹ nước ngoài nói: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay cả khi bạn đã rất quen thuộc với việc đầu tư tài chính thì bạn vẫn cần phải tập trung vào việc giám sát hoạt động của các công ty mà bạn đầu tư vào. Mọi khó khăn rồi sẽ trở thành thuận lợi trên một thị trường mà bạn đã có sự va vấp, trải nghiệm đầy đủ”.

Có những va vấp đã dẫn đến mâu thuẫn không thể giảng hòa giữa nhà đầu tư ngoại và lãnh đạo doanh nghiệp, chẳng hạn như khi ông chủ tịch công ty khăng khăng bổ nhiệm giám đốc tài chính là em dâu, trong khi phu quân của bà này hiện đang nằm trong ban điều hành Công ty. 

Mâu thuẫn cũng âm ỉ chờ chực bùng phát khi chủ tịch kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp nọ đưa hàng loạt người nhà vào nắm giữ các vị trí quan trọng của công ty, đồng thời tự chi quỹ lương thưởng rất lớn cho nhân viên…

Không ít công ty cổ phần lại bị nhầm lẫn giữa chuyện quản trị và quản lý. Thể hiện rất rõ ở việc cứ cổ đông nắm nhiều vốn sẽ tham gia hội đồng quản trị chứ không phải đưa người có năng lực vào ngồi ghế hội đồng quản trị.

“Chúng tôi đã phải ứng phó nhiều khó khăn của một thị trường cận biên như sự không minh bạch, quản trị doanh nghiệp kém, đối xử không công bằng giữa các cổ đông, và đặc biệt là sự hạn chế về các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong những trường hợp mâu thuẫn về lợi ích xảy ra”, một nhà đầu tư có gần 10 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam chia sẻ.

Những nút thắt mà nhà đầu tư phản ánh như trên đang  dần được gỡ bỏ trước những động thái gần đây như Chính phủi mạnh mẽ hơn trong việc đẩy mạnh áp dụng các quy tắc quản trị công ty tốt nhất, chuẩn bị ban hành Nghị định về kiểm toán nội bộ;  áp dụng những hình phạt nặng đối với những vi phạm  về quyền cổ đông và quy tắc quản trị doanh nghiệp để đảm bảo việc tuân thủ… Để có cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được ưu tiên.

Tin bài liên quan