Vốn ngoại săn cơ hội

Vốn ngoại săn cơ hội

(ĐTCK) 150 nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam khi chia sẻ nhu cầu mua cổ phần của các DN hàng đầu trong lĩnh vực này. Thông qua một công ty môi giới tại Hồng Kông, một vài trong số họ đã có những bước đi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Jadines, Tập đoàn đầu tư quy mô lớn của Pháp đã tiếp xúc và trao đổi cơ hội để bỏ vốn vào CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS). Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực lúa gạo, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, những lĩnh vực doanh nghiệp Việt đang có thế mạnh,  phía nước ngoài còn chú ý đến tiềm lực của DN để có thể vươn sang các ngành khác như cà phê, cao su… Nếu được đầu tư đúng hướng, AGPPS có thể trở thành một tập đoàn nông nghiệp lớn tại Việt Nam.

Trong khi đó, Quỹ đầu tư SCPE thuộc ngân hàng Standard Chartered, đơn vị cho AGPPS vay 70 triệu USD trong chiến lược phát triển của mình, đã có thỏa thuận với VinaCapital để thẩm định chi tiết trước khi chốt việc mua lại toàn bộ 34% vốn của VinaCapital và một số tổ chức nước ngoài khác tại AGPPS. Theo một nguồn tin, số tiền phía SCPE bỏ ra mua lượng cổ phần trên có thể lên tới 1.800 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá thị trường hiện nay. Tất nhiên, vì AGPPS chưa niêm yết, nên giá thị trường được tham khảo từ các CTCK vào khoảng 65.000 đồng/CP chỉ mang tính ước lượng. Nếu so với giá vốn bỏ ra xấp xỉ 30.000 đồng/CP, khoản đầu tư này, nếu hai bên hoàn tất thỏa thuận, đem lại lợi nhuận rất lớn cho VinaCapital, đó là chưa kể khoản cổ tức khá cao Quỹ đầu tư đã được hưởng trong vài năm đầu tư vào DN.

Một thương vụ đầu tư thành công được báo chí nhắc đến suốt thời gian qua là trường hợp Mekong Capital thoái một phần vốn tại Thế giới Di động. Với giá bán lên tới 85.000 đồng/CP, hơn 5 triệu cổ phiếu thưởng đã đem về cho Mekong Capital số tiền gần 500 tỷ đồng. Giả định rằng mức giá hơn 100.000 đồng/CP được Thế giới Di động duy trì được, nếu Mekong Capital thoái vốn, lợi nhuận họ thu được sẽ lớn đến mức nào với tỷ lệ sở hữu hơn 14% tại DN. Trong danh mục của mình, Mekong Capital cũng có lượng cổ phần AGPPS khá lớn.

Red River Holding, quỹ đầu tư của Pháp với quy mô vốn 255 triệu USD đã giải ngân gần hết vào thị trường Việt Nam, trong danh mục của họ, phần lớn là những doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên thị trường. Nếu tính cả trượt giá ngoại tệ, đến thời điểm này, Red River Holding vẫn có lãi.

Trên đây chỉ là vài ví dụ cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài được lợi rất lớn nếu “gieo hạt” đúng DN có tiềm năng. Trong khi một số nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn vì thời hạn đóng quỹ gần kề, vẫn có rất nhiều tổ chức xếp hàng để săn cơ hội tốt tại Việt Nam. Dù khác với thời điểm TTCK bùng nổ những năm 2006-2007, sự xuất hiện của các nhà đầu tư không mấy ồn ào.

Trên thị trường thứ cấp, từ đầu năm tới nay, yếu tố cầu ngoại luôn đóng vai trò quan trọng và là thông tin tham khảo có giá trị với nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức trong nước. Tháng 6, dù TTCK Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 90 triệu USD. Một thống kê từ UBCKNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường khoảng 330 triệu USD, vượt mức 320 triệu USD của cả năm 2013. Tổng giá trị danh mục vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam theo ước tính hiện đạt 2 con số (đơn vị tính bằng tỷ USD), cao hơn nhiều so với thời điểm 2006 - 2007.

Khảo sát nhiều mã blue-chip trên Sở GDCK TP. HCM cho thấy, nếu so với các công ty có cùng ngành nghề và quy mô lớn hơn trong khu vực, cổ phiếu Việt Nam đang được định giá thấp hơn dựa trên các chỉ số như P/E, P/B. Bên cạnh triển vọng kinh tế vĩ mô đã phần nào ổn định trở lại, đây có lẽ là lý do giải thích vì sao hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng tiếp tục rót vốn vào Việt Nam, tuy việc tìm kiếm cơ hội mang tính chọn lọc hơn rất nhiều.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7, VN-Index đạt 602,06 điểm, rất gần mức đỉnh 608 điểm đạt được hồi tháng 3 năm nay. Không ít nhà đầu tư đang mơ về kịch bản, VN-Index có thể phá vỡ vùng 600 – 630 điểm, vốn là ngưỡng cản rất mạnh của chỉ số này, để bứt phá mạnh mẽ. Một trong những yếu tố có thể dẫn tới kịch bản như vậy là khối ngoại mua ròng mạnh và liên tục. Khi đó, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức khác sẽ tích cực hơn rất nhiều khi bỏ vốn vào TTCK Việt Nam.               

Tin bài liên quan