Với khả năng được nới room lên 49%, VPBank đang thu hút sự quan tâm của ngân hàng ngoại. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều cổ đông ngoại thoái vốn
Theo công bố của TPBank, cập nhật đến ngày 30/9/2024, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng này. Trước đó, IFC nắm 25,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,17% vốn tại TPBank.
Trong khi đó, cuối tháng 9/2024, Commonwealth Bank of Australia (CBA) cũng xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ của VIB, thu về khoảng 160 triệu USD (khoảng 2.700 tỷ đồng). Ý định thoái vốn của CBA đã hé lộ từ cách đây 5 năm, khi rút khỏi HĐQT VIB và cho biết việc đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu.
Sau thương vụ bán gần 5% vốn, CBA chỉ còn nắm dưới 15% vốn VIB, cổ đông chưa thông báo các đợt thoái vốn tiếp theo, song nhiều khả năng sẽ tiếp tục thoái vốn về mức bằng hoặc thấp hơn 4,99% để VIB tuân thủ room vốn ngoại mới. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/6/2024, VIB đã thông qua việc hạ room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%.
Trong quý II/2024, ABBank cũng chứng kiến sự ra đi của cổ đông ngoại IFC sau 14 năm gắn bó. Cụ thể, cuối tháng 5/2024, IFC bán hơn 84 triệu cổ phiếu của ABBank, tương đương 8,2% cổ phiếu đang lưu hành, thu về khoảng 739 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 3/2024, quỹ ngoại Whistle Investment Limited bán hết 193,9 triệu cổ phiếu ACB, thu về tổng cộng hơn 5.471 tỷ đồng sau 6 năm gắn bó.
Việc chia tay ngân hàng nội - ngoại không còn là vấn đề mới. Từ năm 2005 đến năm 2011 là giai đoạn ngân hàng ngoại ồ ạt rót vốn vào Việt Nam, bắt đầu bằng một loạt thương vụ đình đám như Standard Chartered mua hơn 8,5% cổ phần ACB, HSBC mua 10% cổ phần Techcombank, ANZ mua 10% cổ phần Sacombank. Tiếp đó, một loạt ngân hàng như VPBank, OCB, ABBank, Eximbank, VIB, SeABank… cũng tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tuy vậy, kể từ sau khi hệ thống ngân hàng Việt rơi vào khủng hoảng (năm 2011), nhiều cuộc “chia tay” đã diễn ra. Đáng chú ý phải kể đến các cuộc chia tay giữa Sacombank và ANZ, VPBank và OCBC, Techcombank và HSBC, OCB và BNP Paribas, ACB và Standard Chartered.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc một loạt cổ đông ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt không có nghĩa là thị trường ngân hàng Việt Nam kém hấp dẫn, mà chủ yếu do các tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Chẳng hạn, với CBA, việc thoái vốn khỏi VIB không chỉ để cải thiện hệ số an toàn vốn, mà còn để thực hiện chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Hay với IFC, việc thoái vốn tại ABBank là động thái cơ cấu lại danh mục với khoản đầu tư có thể thấy là không mấy hiệu quả.
Riêng với trường hợp ACB, mặc dù cổ đông Whistle Investment Limited thoái vốn, song nhóm cổ đông ngoại khác lại ngay lập tức thay thế và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30%.
Nhiều thương vụ bán vốn chậm hơn dự kiến
So với các ngân hàng trong khu vực, Hệ số An toàn vốn (CAR) của các ngân hàng trong nước vẫn còn thấp, nên việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư ngoại là rất cần thiết. Ngoài bổ sung vốn, các nhà đầu tư ngoại còn giúp các ngân hàng nội thay đổi về công nghệ và năng lực quản trị điều hành theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Trong khi nhiều ngân hàng nội chia tay với đối tác ngoại, thì nhiều ngân hàng khác lại đang trong quá trình chào bán.
Theo kế hoạch ban đầu, trong năm nay, BIDV và Vietcombank đều có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại, giá trị mỗi thương vụ lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, đến thời điểm này, cả hai thương vụ đều được hoãn sang năm 2025.
Tương tự, kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài của SHB đến nay vẫn chưa thành công, dù trước đó, ngân hàng này đã thay đổi chiến lược từ tìm kiếm đối tác dài hạn sang trung hạn.
Trong khi đó, việc chào bán vốn cho đối tác ngoại của LPBank, NamABank, HDBank… cũng mới dừng lại trong giai đoạn tìm kiếm.
Với HDBank, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư cho hay, thời gian qua, Ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác đến từ châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc.
“HDBank đã có sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, sẽ thực hiện khi điều kiện thị trường thuận lợi và tìm được đối tác phù hợp. Ngân hàng dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn”, ông Tùng chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Techcombank, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 cũng cho biết việc xem xét phát hành cho cổ đông chiến lược và kỳ vọng tìm được đối tác xứng tầm, tương tự thương vụ VPBank “kết duyên” với SMBC.
Theo các chuyên gia phân tích, khẩu vị của các nhà đầu tư ngoại đã chọn lọc hơn. Thay vì đầu tư tài chính dài hạn, nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các khoản đầu tư trung hạn. Do đó, yếu tố mà nhà đầu tư ngoại quan tâm là các ngân hàng có nền tảng quản trị rủi ro tốt và khả năng sinh lời khả quan.
Tất nhiên, một số ngân hàng có room ngoại lớn vẫn giành được sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Theo đó, với khả năng được nới room lên tới 49% nhờ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, VPBank, MB và HDBank sẽ là những cái tên đáng chú ý.
Ngay cả với các ngân hàng vừa chia tay đối tác ngoại như VIB hay ABBank, cơ hội gọi vốn ngoại vẫn rất lớn. Theo Công ty Chứng khoán DNSE, việc hạ room ngoại của VIB sẽ tạo cơ hội chọn đối tác chiến lược ngoại mới.
Trong khi đó, ABBank cũng chia sẻ, sau khi IFC thoái vốn, ABBank sẽ xem xét phương án lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển của Ngân hàng khi có cơ hội.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngoại, song khẩu vị của nhà đầu tư đã chọn lọc hơn. Theo đó, nhiều nhà đầu tư ngoại không còn “tham” về room sở hữu nữa, mà chú trọng các ngân hàng chất lượng tài sản tốt, bộ máy lãnh đạo quản trị tốt và có khả năng sinh lời tốt.