Vốn ngoại chảy chậm, VN-Index hụt sức cầu
Thực tế, thị trường lao dốc trong bối cảnh hàng loạt thị trường quốc tế quay đầu điều chỉnh. Nhưng ngoại trừ yếu tố “đỏ lửa” của thị trường thế giới thì diễn biến giảm này đã nằm trong dự báo của giới đầu tư chuyên nghiệp, dù không ai đoán định chính xác thời gian sẽ diễn ra điều chỉnh.
Trước đó, diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư lâu năm. Lý do là dù định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam so với khu vực không còn rẻ, nhưng một lượng lớn vốn nước ngoài vẫn chảy vào thị trường. Dòng vốn này đã được xác minh là từ Hàn Quốc, chiếm gần 50% lượng vốn ngoại mua ròng trên thị trường Việt Nam kể từ đầu năm.
Trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ để có thêm thông tin dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam thì các tổ chức đầu tư lớn đã theo dõi thêm thị trường chứng khoán Hàn Quốc mỗi ngày. Những biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam bởi dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam qua quỹ mở đã tăng lên đột biến trong thời gian ngắn.
Theo ước tính có khoảng 400 - 500 triệu USD vốn đầu tư từ Hàn Quốc đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tổng số 1,1 tỷ USD tiền mua ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán năm 2017. Đáng chú ý, nguồn vốn này chủ yếu đến từ các quỹ mở. Dòng vốn đến từ quỹ mở là dòng vốn dễ biến động, phụ thuộc vào các điều kiện khách quan. Chẳng hạn, nếu thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm, dòng vốn ở Việt Nam có thể bị các quỹ rút ra để cân bằng danh mục.
Dòng vốn mới đã góp phần đẩy giá nhiều cổ phiếu lớn tăng cao, mức định giá theo P/E lên tới vài chục lần. Bình luận về mức định giá hiện nay, giám đốc một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam cho biết, nhiều cổ phiếu có mức P/E quá cao như VIC (116 lần), ROS (196 lần), MSN (gần 50 lần)… khiến họ không thể mua để duy trì sức cầu. Bên cạnh đó, nhiều quỹ nhân cơ hội thị trường này đã bán ra những cổ phiếu có P/E “trên trời” và chờ thị trường điều chỉnh để mua vào.
Một thành viên của quỹ đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh so với giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp có thể tạo ra. Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức cao, nhưng mức giá cổ phiếu không hợp lý ở thời điểm này, nên điều chỉnh và điều chỉnh sâu là bình thường.
Theo nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, dòng vốn ngoại chảy mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong tháng 1, tạo động lực lớn giúp thị trường tăng điểm. Khi vốn ngoại tạm ngừng chảy, tức là nhà đầu tư nước ngoài không còn mua ròng nữa, thì VN-Index giảm điểm là đương nhiên. Đúng như nhận định trên, sau một vài phiên nhà đầu tư ngoại bán ròng và mua ròng ít, cộng với động thái cắt margin của nhà đầu tư nội để bảo toàn lợi nhuận trước thời gian nghỉ Tết kéo dài, thị trường đã bị bán tháo trong phiên đầu tuần sau 2 phiên trước đó thị trường chỉ giảm nhẹ. Nhà đầu tư trong nước nhận định rõ không có luồng tiền mới cho thị trường đi lên cộng với định giá đang ở mức cao thì quyết định bán ở thời điểm hiện nay là hợp lý.
Thị trường cần đa dạng các nhà đầu tư chuyên nghiệp
Câu hỏi đặt ra là thị trường rơi mạnh về sát mốc 1.000 điểm đã hợp lý hay chưa? Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu nhìn vào phân tích kỹ thuật thì giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm thêm để về ngưỡng hỗ trợ gần nhất. Mặc khác, ở mặt bằng giá hiện nay, số nhà đầu tư có lời vẫn nhiều hơn số nhà đầu tư thua lỗ. Như vậy, những nhà đầu tư cầm tiền có thể sẽ không vội vàng mua vào.
Quan sát trên thị trường cho thấy, vốn ngoại vẫn là đòn bẩy cho thị trường và dẫn dắt dòng vốn nội. Ở thời điểm hiện tại, sau một đợt rót vốn lớn, thị trường chưa ghi nhận dòng vốn mới chờ giải ngân.
Theo giám đốc một quỹ đầu tư tư nhân, nếu Việt Nam để các quỹ mở phát triển quá mức, thiếu các cơ chế hỗ trợ các loại hình quỹ đóng, quỹ hưu trí… thì nguồn vốn vào thị trường rất nhạy cảm. Nhà đầu tư cá nhân buộc phải làm quen với những biến động bất thường này. Thị trường sẽ khó dự đoán hơn, khi thành phần nhà đầu tư chuyên nghiệp thiếu đa dạng.
Tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2018 mới đây, ông Trần Thanh Tân, đại diện cho Câu lạc bộ Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán nêu kiến nghị, nhà quản lý nên mở rộng không gian lập quỹ. Theo đó, cho phép thành lập các quỹ thành viên hoạt động theo mô hình quỹ mở.
“Đây là mô hình được thành lập tại các thị trường phát triển và phù hợp với điều kiện của TTCK Việt Nam. Mô hình này đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và có khả năng thu hút vốn nếu được thành lập”, ông Tân nói.