Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có hàng loạt các công ty chứng khoán quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có hàng loạt các công ty chứng khoán quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Vốn ngoại làm thay đổi bức tranh công ty chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Việc có thêm ngày càng nhiều công ty chứng khoán ngoại vào Việt Nam đang tạo ra sức ép lớn cho các công ty chứng khoán nội. 

Tuy nhiên, đây cũng là động lực tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng hơn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán và thúc đẩy các công ty chứng khoán hướng đến sự chuyên nghiệp trong dịch vụ, cũng như nâng cao chất lượng quản trị rủi ro.

Câu lạc bộ nghìn tỷ đồng thêm nhiều thành viên

Năm 2018, thị trường chứng khoán chứng kiến dòng chảy vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong đó, nhóm các công ty chứng khoán nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm nhà đầu tư ngoại Mirae Asset đã liên tục rót vốn vào Công ty TNHH Mirae Asset Việt Nam để tăng vốn điều lệ công ty này từ mức 700 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, trở thành công ty có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tương tự Mirae Asset, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cũng được cổ đông ngoại rót vốn, nâng vốn điều lệ lên mức 1.897 tỷ đồng trong năm 2018.

Bên cạnh đó, 2 công ty chứng khoán mới được thay máu cổ đông năm vừa qua là Công ty cổ phần Chứng khoán KB và Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta, khi nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) mua lại từ nhà đầu tư nội, cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức tương ứng là 1.107 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Trong thông điệp gửi tới thị trường, các công ty chứng khoán nói trên đều không giấu tham vọng tiếp tục tăng quy mô vốn điều lệ nếu thị trường chứng khoán có cơ hội hấp dẫn và có khả năng hấp thụ vốn. Đồng thời, nhóm này cũng cho biết, ngoài vốn trực tiếp góp dưới hình thức vốn điều lệ, các nhà đầu tư ngoại sẽ hỗ trợ công ty chứng khoán dưới các hình thức vốn vay (cho các dịch vụ tài chính) và các khoản đầu tư khách hàng khác.

Sự tham gia mạnh mẽ của khối này cùng với các công ty chứng khoán trong nước đã góp phần tạo nên bức tranh mới về năng lực tài chính các công ty chứng khoán Việt Nam. Nếu giai đoạn trước, quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng đã được cho là lớn, thì hiện nay, tiêu chí xếp hạng các công ty chứng khoán đã xây dựng sang mức câu lạc bộ nghìn tỷ đồng và câu lạc bộ trăm triệu USD.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có hàng loạt các công ty chứng khoán quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, với các tên tuổi đã quen thuộc với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán như: SSI, VNDirect, Mirae Asset, BSC, HSC, Vietinbanksc, MBS, TCBS, ACBS… 

Công ty chứng khoán nội dậm chân tại chỗ

Trong lúc mặt bằng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán tăng mạnh thời gian gần đây, các công ty chứng khoán nội dường như chịu lép vế hơn so với công ty chứng khoán ngoại.

Theo đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Mirae Asset toàn cầu cho rằng, mức vốn điều lệ mới gần 200 triệu USD tại Việt Nam vẫn còn là rất nhỏ so với quy mô tài sản của Tập đoàn, thì ở Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn lớn như HSC, BVSC, MBS, Vietinbanksc… vẫn "dậm chân tại chỗ" trong mục tiêu tăng vốn điều lệ.

Từng ở vị thế rất cao so với thị trường, nhưng khi các công ty chứng khoán Top dưới tăng tốc, nhóm công ty chứng khoán Top trên dù rất lớn ở vị thế thị trường, sức mạnh thương hiệu, nhưng dần trở nên khiêm tốn ở quy mô vốn điều lệ. Lý do của tình trạng này đến từ tiềm lực của nhà đầu tư trong nước và những yếu tố rất đặc thù của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán Top 5 thị phần môi giới mới đây chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, Công ty rất muốn tăng vốn điều lệ, nhưng do có vốn nhà nước nên gặp khó khăn. Bởi cổ đông nhà nước không đồng ý tiếp tục tăng vốn điều lệ (do đầu tư ngoài ngành) và cũng không được phép cho nhà đầu tư khác thay thế (sợ dẫn đến tình trạng ảnh hưởng đến vị thế đầu tư).

Với thế kẹt này, Công ty đành dậm chân tại chỗ về tình trạng vốn điều lệ, dù thị phần lớn và không tránh khỏi tình trạng nhiều lúc thị phần bị ảnh hưởng nhất định, do yếu tố hết hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ nhà đầu tư. 

Cạnh tranh là động lực để phát triển

Với việc dòng vốn ngoại đang đổ vào ngày một lớn trong nhóm công ty chứng khoán, thậm chí, SSI, công ty chứng khoán đang có quy mô vốn và thị phần lớn nhất hiện nay, cũng có mức sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên tới gần 60% vốn điều lệ (là mức trở thành công ty nước ngoài theo Luật Đầu tư), nhiều ý kiến cho rằng, công ty chứng khoán nội đang bị lép vế.

Lo ngại trên không phải không có cơ sở, khi ngoài sự hỗ trợ về vốn rất mạnh từ cổ đông ngoại, các công ty chứng khoán ngoại còn được hỗ trợ cả về công nghệ, quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, mạng lưới khách hàng… những yếu tố vô hình nhưng tạo nên sức mạnh cho công ty chứng khoán.

Trong thời gian vừa qua, đã có công ty chứng khoán ngoại đưa ra mức lãi suất cho vay margin cho khách hàng VIP chỉ xấp xỉ 10%/năm, thấp hơn cả mức chi phí huy động vốn của các công ty chứng khoán trong nước.

Câu chuyện Mirae Asset chỉ trong 1 thời gian ngắn đã lọt Top 10 thị phần môi giới sau khi tăng vốn và việc dòng vốn ngoại đang đóng vai trò ngày một lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là những dẫn chứng cho thấy, các công ty ngoại đang dần có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh hiện nay.

Một câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý đánh giá như thế nào về việc các công ty chứng khoán đang thể hiện tham vọng ngày một lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam? Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, không nên nhìn nhận việc các công ty chứng khoán ngoại vào sẽ khiến các công ty chứng khoán nội khó sống.

“Điểm đầu tiên chúng ta nhìn thấy là khi các nhà đầu tư lớn nước ngoài đổ vốn vào nhóm công ty chứng khoán, sức ép cạnh tranh giữa các công ty đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại với sức mạnh về tài chính, công nghệ, quản trị… sẽ không chỉ góp phần tạo nên những công ty chứng khoán mạnh về tài chính, mà còn tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Đồng thời, khi sang Việt Nam đầu tư, các nhà đầu tư này còn kéo theo khách hàng của họ. Hình ảnh Việt Nam nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đã được lan tỏa nhiều hơn nhờ làn sóng đầu tư này. Đây là điểm tích cực mà chúng ta phải ghi nhận”, ông Sơn nói về hiệu ứng tích cực từ nhà đầu tư ngoại.

Về vấn đề sức ép cạnh tranh, theo ông Sơn, đúng là lớn, nhưng không phải vấn đề đáng lo ngại.

“Chúng ta vẫn nhìn thấy những công ty chứng khoán nội có quy mô vốn không lớn, không chạy theo cuộc đua về margin, nhưng vẫn có thị phần rất lớn. Cạnh tranh chính là động lực để phát triển và là yếu tố làm tăng tính chuyên nghiệp trên thị trường.

Các công ty chứng khoán nội muốn cạnh tranh sẽ phải tự làm mới mình, có thể ở cả câu chuyện nhà đầu tư, sản phẩm, cách thức làm dịch vụ…, hoặc thậm chí phải tính đến chuyện hợp nhất, sáp nhập để tăng sức mạnh.

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng, cách tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chính là tạo ra một cuộc chơi lành mạnh, sòng phẳng, thúc đẩy sự phát triển an toàn, chuyên nghiệp của doanh nghiệp và đưa thêm sản phẩm mới phù hợp với sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu”, ông Sơn chia sẻ.

Tin bài liên quan