"Trước mắt, Chính phủ nên tìm cách thu hút NĐT nước ngoài vào thị trường trái phiếu".

"Trước mắt, Chính phủ nên tìm cách thu hút NĐT nước ngoài vào thị trường trái phiếu".

Vốn ngoại không chọn kênh trái phiếu?

(ĐTCK-online) Mặc dù có vị trí quan trọng trên thị trường vốn, song hoạt động của thị trường trái phiếu lại rất trầm lắng: năm 2009, chỉ tiêu huy động 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ chỉ hoàn thành 13% kế hoạch; trên thị trường thứ cấp, càng về cuối năm giao dịch trái phiếu càng buồn tẻ.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, đồng thời là Phó tổng giám đốc CTCK HSC xung quanh thực trạng này của thị trường.

 

Thưa ông, thị trường trái phiếu sơ cấp trầm lắng, nhưng gần đây các kỳ hạn ngắn lợi suất đã tăng cao. Liệu NĐT tổ chức có tín hiệu mua “trở lại”?

Hiện tại, thị trường trái phiếu kỳ hạn từ 3 năm trở lên vẫn hầu như không có giao dịch. Với trái phiếu kỳ hạn từ 1 - 2 năm, lãi suất tăng cao, nhưng tính thanh khoản vẫn kém, 1 ngày chỉ có 1 hoặc 2 giao dịch. Lý do của tình trạng này là người mua và người bán không gặp nhau.

Vốn ngoại không chọn kênh trái phiếu? ảnh 1
Ông Trịnh Hoài Giang

Người mua muốn mua với lợi suất cao, trong khi đó người bán không có động cơ để bán. Ví dụ, trái phiếu kỳ hạn 2 năm, người ta mua chào lợi suất 13%, nhưng hầu hết NĐT giữ trái phiếu, đặc biệt là các ngân hàng không có nhu cầu bán ở mức lợi suất 12 - 13%, bởi lẽ, họ có thể dùng trái phiếu đó tham gia vào các nghiệp vụ thị trường mở - thế chấp để vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lãi suất tốt hơn nhiều, mà trần lãi suất cho vay là 12%. Về đấu thầu trái phiếu, các phiên gần đây đều không thành công. Bộ Tài chính vừa nâng lãi suất trần lên 10,8%, nhưng cũng không có NĐT nào trúng thầu, vì mọi người không muốn mua trái phiếu khi lãi suất trên thị trường sơ cấp thấp hơn thị trường thứ cấp.

 

Theo ông, đâu là lý do sâu xa của tình trạng ảm đạm và tình hình này kéo dài trong bao lâu nữa?

Theo các số liệu thống kê, năm 2006, khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường trái phiếu đã thực sự khởi sắc do xuất hiện gương mặt mới là các NĐT nước ngoài. Sau năm 2006, số lượng trái phiếu trên thị trường tăng lên, Chính phủ phát hành được trái phiếu, nhưng từ năm 2008 trở lại, đây trái phiếu không phát hành được và trên thị trường giao dịch thứ cấp, giao dịch thực sự trầm lắng khi NĐT nước ngoài không đổ vốn vào. Lần gần đây nhất, NĐT nào chưa bán trái phiếu thì còn bị thiệt thêm 5% do sự giảm giá của VND.

Tôi cho rằng, trước mắt, Chính phủ nên tìm cách thu hút NĐT nước ngoài vào thị trường trái phiếu. Thị trường thứ cấp là nơi mua đi bán lại, nhưng muốn sôi động thì phải có trái phiếu phát hành. Nhưng phần phát hành còn đang bị kẹt và theo kinh nghiệm, nếu chỉ có các NĐT nội mua bán với nhau thì thị trường thứ cấp rất khó sôi động. Một trong những yếu tố chính cũng cần phải quan tâm là nhiều trái phiếu phát hành giai đoạn 2005 - 2007 sẽ đáo hạn trong thời gian tới. Nếu tình hình vẫn như hiện nay thì việc huy động vốn trái phiếu sẽ rất căng thẳng.

 

Ông đánh giá cao vai trò của NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu. Vậy gần đây, mối quan tâm của họ với thị trường trái phiếu Việt Nam ra sao?

Khối NĐT nước ngoài vẫn lo ngại lạm phát tại Việt Nam. Theo báo cáo của các ngân hàng lớn, NĐT nước ngoài lo ngại lạm phát cao sẽ quay trở lại nên họ chưa có ý định đổ vốn vào Việt Nam trong vòng 6 tháng tới. Giá trị trái phiếu do NĐT nước ngoài nắm giữ còn rất ít, ước khoảng 300 triệu USD và họ đã không mua vào gần như từ đầu năm 2009. Báo cáo của HSBC đánh giá rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn nhiều rủi ro, lãi suất và lạm phát có thể tăng lên… Ngoài ra, NĐT cũng lo ngại rủi ro về chính sách, sự thay đột ngột làm cho họ bị bất ngờ. Đối với ngân hàng trung ương các nước, họ thường truyền thông ra thị trường một cách minh bạch để NĐT có thể đoán trước được phần nào động thái của cơ quan quản lý.

Thanh khoản trên thị trường vốn thế giới đã đỡ hơn, vốn đã đổ vào các thị trường mới nổi, nhưng chưa có dấu hiệu quay lại Việt Nam.

 

Vừa qua, xuất hiện khá nhiều phỏng đoán về việc lãi suất cơ bản sẽ tăng vào quý I/2010. Vậy thị trường trái phiếu sẽ diễn biến ra sao nếu điều này xảy ra? Ông đánh giá ra sao về nguy cơ lạm phát?

NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, ảnh hưởng bởi lạm phát, thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cơ bản nếu có cũng sẽ không tác động nhiều đến thị trường trái phiếu, vì thị trường gần như đã không hoạt động trong thời gian dài.

Năm 2009, lạm phát ước khoảng 6,5%, trong năm 2010, theo đánh giá của cá nhân tôi, lạm phát tăng tốc nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, dự kiến dưới mức 10% do các nguyên nhân: thứ nhất, NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn tăng trưởng tín dụng, đặc biệt việc siết tăng trưởng tín dụng với bất động sản, không có gói hỗ trợ kích cầu thì tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại; thứ hai, sức tiêu thụ trong nước sẽ ít hơn do kỳ vọng lạm phát khiến người dân chi tiêu ít hơn; thứ ba, đồng nội tệ sẽ không sụt giảm mạnh do xuất khẩu tăng và nhập khẩu tiêu dùng giảm.