Vốn ngoại: Hai con số đáng nghĩ

Vốn ngoại: Hai con số đáng nghĩ

(ĐTCK) Giá trị mua ròng của khối ngoại trong quý I/2019 đạt 4.700 tỷ đồng. Mặc dù còn quá sớm để rút ra kết luận, nhưng con số này gợi lên nhiều suy nghĩ, bởi năm 2018, khối ngoại mua ròng 41.000 tỷ đồng, tương đương 10.250 tỷ đồng mỗi quý trên TTCK Việt Nam.

Một con số khác: Trong 4.700 tỷ đồng khối ngoại mua ròng của quý I, giá trị mua ròng của các quỹ ETF là 3.608 tỷ đồng, chiếm 76%. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản TTCK quý I/2019 suy giảm (giá trị giao dịch 4.800 tỷ đồng/phiên, so với mức bình quân năm 2018 là 6.547 tỷ đồng/phiên) đặt ra nhiều câu hỏi.

Phải chăng nhịp giao dịch của nhà đầu tư trên TTCK đang suy giảm? Phải chăng, cách thức nhà đầu tư ngoại đầu tư vào doanh nghiệp và TTCK Việt Nam đang có sự thay đổi lớn, từ việc trực tiếp mở tài khoản, trực tiếp mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, sang việc mua theo hình thức gián tiếp, thông qua góp vốn vào các quỹ đầu tư trung gian (ETF) hay các hình thái khác?

Trong cuộc trao đổi mới đây với các nhà báo, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, các sản phẩm chứng khoán cơ cấu như ETF, P-note, NVDR… hiện diện trên nhiều TTCK phát triển và được người có tiền lựa chọn bởi cách thức đầu tư đơn giản, cho phép người sở hữu được hưởng lợi ích tài chính trên công cụ đầu tư gốc (cổ phiếu) mà không chịu những giới hạn về đầu tư. Các sản phẩm này đến từ một ý tưởng đơn giản, có thể mô tả qua hình ảnh người mua - bán cá.

Người bán cá muốn bán được phải mang cá đến chợ, nhưng để hàng không bị hỏng, cá cần phải  bảo quản trong kho lạnh. Giả sử người bán có 100 con cá và đưa gửi vào kho lạnh bảo quản. Kho lạnh theo đó sẽ phát hành 100 chứng chỉ cá, mỗi chứng chỉ tương đương quyền sở hữu 1 con cá. Từ đây, thay vì bán cá, người bán sẽ bán chứng chỉ cá. Việc bán này không cần diễn ra ở chợ, mà có thể diễn ra ở Sở giao dịch chứng khoán với đa dạng thành phần nhà đầu tư tham gia giao dịch và hưởng lợi trên hoạt động này.

ETF, P-note, NVDR… đều ra đời theo nguyên lý trên, đóng vai trò như một sản phẩm đại diện, sản phẩm trung gian giữa bên mua và bên bán thực tế. Tại Việt Nam, sản phẩm Quỹ ETF đầu tiên (ETFVFMVN30) đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư ngoại, khi trên 80% giá trị tài sản ròng của Quỹ là do nhà đầu tư ngoại góp vốn. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam hiện mới có 2 quỹ ETF, các sản phẩm P-note hay NVDR chưa có, nên nhà đầu tư ngoại chưa có nhiều lựa chọn đầu tư qua các công cụ trung gian này.

So với các thị trường lân cận, TTCK Việt Nam vẫn thường được các chuyên gia đánh giá có định giá có sức hấp dẫn, nhưng để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, thị trường phải hội tụ nhiều yếu tố.

Nếu như kênh đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp thường chỉ phù hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội M&A doanh nghiệp Việt Nam hoặc đầu tư dài hạn, thì kênh đầu tư thông qua các sản phẩm chứng khoán đại diện là kênh mà các nhà đầu tư tài chính quốc tế muốn tìm. Nếu TTCK Việt Nam không đáp ứng được, dòng vốn quốc tế luôn có nhiều lựa chọn khác ở các thị trường xung quanh Việt Nam.

Vốn ngoại vào ròng quý I/2019 với gần 80% chảy qua ETF là một nét mới trong bức tranh đầu tư trên TTCK Việt Nam. Ðiều này rất cần được mổ xẻ, làm rõ lý do để nhìn ra xu hướng sắp tới. Ngoài các lý do khách quan, có hay không lý do TTCK Việt Nam chậm phát triển các sản phẩm tài chính hợp khẩu vị khối ngoại?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đang được các cơ quan thẩm định, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Ðây là cơ hội để các thành viên thị trường góp tiếng nói xây dựng Luật, để góp sức định hình một hành lang pháp lý minh bạch, thực hiện được mục tiêu quản lý và mục tiêu thu hút các nguồn lực phát triển thị trường tài chính Việt Nam.

Tin bài liên quan