Sự sôi động của thị trường bất động sản đang kích thích các nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào thị trường này

Sự sôi động của thị trường bất động sản đang kích thích các nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào thị trường này

Vốn ngoại đổi “khẩu vị” trên thị trường địa ốc

(ĐTCK) Giám đốc đầu tư của một công ty quản lý quỹ thuộc tập đoàn bảo hiểm lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mới đây cho biết, thay vì tập trung vào kênh trái phiếu như trước kia, tổ chức này đang tìm kiếm các tài sản khác cho dòng tiền đầu tư dài hạn.

Đây là tập đoàn bảo hiểm thuộc Top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Việt Nam. Với mức tăng trưởng năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 ở 2 con số về phí, nguồn tài chính của tổ chức đầu tư này rất dồi dào. Tầm ngắm của họ, bên cạnh các kênh truyền thống như trái phiếu, là một số bất động sản như tòa nhà văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ và khách sạn. Theo vị giám đốc đầu tư, đây là những tài sản cho thu nhập ổn định, dài hạn, bên cạnh đó, nếu thị trường tốt và cho chênh lệch lợi nhuận cao, nhà đầu tư có thể tính đến chuyện hiện thực hóa lợi nhuận.

Báo cáo mới công bố của Công ty Tư vấn bất động sản JLL Việt Nam cũng cho thấy, các tài sản cho dòng tiền ổn định và có tiềm năng tăng trưởng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong quý II, thị trường TP. HCM đã ghi nhận một số thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản có giá trị lớn như vụ chuyển nhượng tòa nhà phức hợp Kumho Asiana Plaza tại quận 1 hay tòa nhà International Centre Building ở quận Hoàn Kiếm… Bên mua trong các thương vụ chuyển nhượng tòa nhà đang khai thác đều là các nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố được coi là lực đẩy các nhà đầu tư đến Việt Nam là lãi suất ở các thị trường nước ngoài hiện thấp, chẳng hạn tại Hàn Quốc chỉ 1 - 2%/năm, tại Nhật Bản là 0%/năm, tại Mỹ là 0 - 0,5%/năm. Tại Việt Nam, sau khi mua tài sản và kinh doanh đạt mức lợi nhuận 6-7%/năm (tính bằng USD) là các nhà đầu tư chấp nhận được. Trong khi đó, sức cầu cho những thị trường trên được dự báo tiếp tục gia tăng cùng với đà hội nhập của nền kinh tế trong nước.

Báo cáo của JLL Việt Nam cho thấy, ở cả mảng văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ và khách sạn, trong quý II, tỷ lệ lấp đầy và giá đều cải thiện. Đơn cử, dù phải cạnh tranh quyết liệt với các căn hộ mua để cho thuê và nhà riêng, tỷ lệ lấp đầy trung bình trong quý II/2016 của toàn thị trường căn hộ dịch vụ tại TP. HCM đạt 86,9%, tăng 0,3% so với quý I/2016, giá thuê tăng trung bình 0,8 - 1,1%. Còn tại Hà Nội, đã hình thành nên các khu chung cư dành cho người nước ngoài thuê như Indochina Capital (Xuân Thủy), The Manor, Keangnam, Thăng Long Number One, Madarin Garden… giá cho thuê tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông qua các công ty tư vấn tại Việt Nam, thậm chí liên hệ trực tiếp với các đầu mối có nhu cầu và có thông tin về những dự án đang triển khai tại Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong đã bày tỏ muốn phát triển các sản phẩm cho thuê như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, các dự án đã hiện hữu, các tài sản tạo ra dòng tiền. Mục đích của các thương vụ này là bên mua có ngay nguồn thu khi nắm quyền khai thác các tài sản đó. Sự sôi động của thị trường đang kích thích những nhà đầu tư vốn thận trọng nhất, đơn cử như các công ty bảo hiểm cũng đang từng bước thay đổi khẩu vị đầu tư.

Ở phía cung, khi đạt mục tiêu lợi nhuận các nhà đầu tư đã dễ dàng gật đầu, không chỉ với các doanh nghiệp trong nước đang cần nguồn lực lớn, mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.  Chẳng hạn, tòa nhà International Centre Building được Keppel Land chuyển nhượng cho VinaCapital hay Khu phức hợp Kumho được Kumho Asiana chuyển nhượng cho Mapletree Investment…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của một ngân hàng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng đã giải thích với các cổ đông lý do chuyển nhượng tài sản sau gần chục năm theo đuổi và hoàn tất dự án tòa nhà văn phòng hạng A tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho một đối tác nước ngoài như sau: “Thu lại cả gốc và lãi hơn 1.000 tỷ đồng, có lời gần 200 tỷ đồng, trong khi đó ngân hàng không phải tổ chức nguồn lực vào lĩnh vực ngoài ngành cốt lõi”.

Câu trả lời của vị chủ tịch đã khiến các cổ đông thôi thắc mắc về việc vì sao ngân hàng chọn cách đi thuê văn phòng, thay vì “an cư lạc nghiệp”. Nhưng hẳn các cổ đông ngân hàng sẽ tiếc hùi hụi khi biết thông tin mới đây chủ mới của tòa nhà đã đàm phán chuyển nhượng lại tòa nhà cho quỹ nước ngoài với giá trị cao hơn 30% so với giá họ bỏ ra mua. Trong khi đó với nguồn vốn bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng tòa nhà, kết quả kinh doanh của ngân hàng chẳng được cải thiện là bao.

Tin bài liên quan