Vốn ngoại dè dặt vào thị trường trái phiếu

Vốn ngoại dè dặt vào thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu năm 2017 sôi động cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn với tỷ trọng giao dịch thấp.

Tỷ trọng giao dịch chiếm khoảng 5%

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017 trên thị trường trái phiếu có chuyển biến tích cực. Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trên thị trường sơ cấp trong năm 2016, tổng giá trị trúng thầu của nhà đầu tư nước ngoài là gần 27.000 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng giá trị trúng thầu toàn thị trường.

Trên thị trường thứ cấp, tuy bán ròng mạnh vào tháng 10 - 11/2016, nhưng chốt lại cả năm, khối ngoại vẫn mua ròng 12.100 tỷ đồng. Đến năm 2017, xu hướng mua ròng tiếp tục được duy trì, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 20.000 tỷ đồng, vượt xa năm 2016.

“Tuy nhiên, với tỷ trọng giao dịch ở mức 4 - 5% trên thị trường thứ cấp và trên thị trường sơ cấp chiếm khoảng hơn 5%, có thể thấy rằng, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mặc dù đang theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch VBMA nhìn nhận.

Sở dĩ nhà đầu tư ngoại còn dè dặt tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam, ngoài lý do sản phẩm trên thị trường kém đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như khẩu vị đầu tư của họ, còn có nguyên nhân là đến thời điểm này, Việt Nam chưa định hình hệ thống cơ chế khuyến khích, ưu đãi, nhất là thuế, phí nhằm thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường trái phiếu. Vốn ngoại chưa chảy mạnh vào thị trường trái phiếu Việt Nam còn do thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển, chưa minh bạch và chuyên nghiệp…

Giải pháp cải thiện

Nhìn nhận tiềm năng thu hút vốn ngoại của thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhiều, từ tiếng nói của các thành viên thị trường, bà Oanh cho rằng, để tạo chuyển biến sắc nét trong thu hút vốn ngoại vào thị trường trái phiếu trong năm 2018 cũng như giai đoạn tới, nhà quản lý cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó cần tập trung vào hai yếu tố then chốt là mở rộng cơ sở nhà đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm giao dịch.

Muốn mở rộng cơ sở nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua thành lập các quỹ hưu trí.

Đồng thời, cần xem xét áp dụng định mức đầu tư trái phiếu chính phủ tối đa hợp lý và công bằng hơn đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặt trong mối tương quan so sánh với ngân hàng thương mại trong nước.

Gắn liền với tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá về thị trường trái phiếu Việt Nam, cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược, chính sách khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thông qua cơ chế ưu đãi như miễn giảm các loại thuế, phí khi đầu tư trái phiếu chính phủ, cải thiện hơn nữa chế độ minh bạch thông tin, cải cách thủ tục hành chính...

Để đa dạng hóa sản phẩm giao dịch, nhà quản lý cần nghiên cứu cho phép triển khai các sản phẩm mới, nhất là phái sinh trái phiếu...

“Kỳ vọng trong thời gian tới, khối ngoại sẽ tham gia vào thị trường nhiều hơn khi sắp có thêm 3 sản phẩm mới là: Vay trái phiếu để bán; bán và mua lại trái phiếu; Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Theo kinh nghiệm quốc tế, các sản phẩm giao dịch này rất thực tế và cần thiết để tăng tính thanh khoản, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu, đồng thời phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất trái phiếu chính phủ một cách chủ động”, bà Oanh dự báo.

Cùng với “làm mới” thị trường trái phiếu chính phủ, để thu hút dòng vốn ngoại, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp gắn liền với tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào mảng thị trường còn nhiều tiềm năng này. Muốn vậy các bên liên quan cần hoàn thiện hợp đồng khung giao dịch, chuẩn mực giao dịch, xây dựng đường cong lãi suất chuẩn đối với các kỳ hạn ngắn...

Theo đại diện VBMA, công nghệ cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thị trường trái phiếu. An toàn trong thanh toán, giao dịch là yếu tố đầu tiên để nhà đầu tư xem xét đầu tư, đặc biệt là đối với các tổ chức đầu tư quốc tế. Việc mở rộng hoạt động thị trường, liên kết với thị trường giao dịch khu vực và quốc tế, an toàn trong giao dịch và thanh toán phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, điều mà Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều.

Ở tầm vĩ mô, để tiếp tục cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho thị trường trái phiếu, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát, duy trì cán cân thương mại ổn định, quản lý tốt chi tiêu công…

Tin bài liên quan