Vốn ngoại chờ Nhà nước bán các doanh nghiệp lớn

Vốn ngoại chờ Nhà nước bán các doanh nghiệp lớn

(ĐTCK) Hội nghị Nhà đầu tư thường niên năm 2015 do Công ty Quản lý quỹ VinaCapital tổ chức đã thu hút khá nhiều nhiều nhà đầu tư tham dự. Đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới đến từ châu Á, châu Âu để tìm hiểu về thị trường Việt Nam.

Những thông tin về mở room, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đàm phán, nhất là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã khiến Hội nghị trở nên sôi nổi. Nội dung được nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm là câu chuyện mở room, quyết định thoái vốn của SCIC tại 10 DN lớn, nhất là VNM và câu chuyện về tiến trình cổ phần hóa 195 DN từ nay đến hết năm 2015.

Ông Phạm Viết Muôn, Cố vấn cao cấp VinaCapital cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định SCIC thoái vốn tại 10 DN lớn đã thể hiện sự kiên định, nhất quán của Chính phủ trong việc Nhà nước rút lui khỏi những DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh không cần nắm giữ. Lúc nào rút và rút ra như thế nào thì Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo SCIC, nhưng thực tế, mục tiêu của SCIC không chỉ là thoái tại 10 DN đã công bố, mà danh mục cần thoái tới 700 DN.

Ông Muôn bày tỏ quan điểm, việc thoái vốn của SCIC không phải để có nguồn thu giúp Nhà nước đảo nợ, như nhiều nhà đầu tư suy đoán. Để cơ cấu nợ, Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để trả nợ đến hạn năm 2015 - 2016. 

Ông Peter Wehrle, nhà quản lý của Investment partner group AG chia sẻ, ông vẫn xem TTCK Việt Nam là thị trường rất non trẻ, vì thực tế mới hoạt động được 15 năm. Tuy vậy, TTCK Việt Nam đang hấp dẫn, cơ sở chính là lạm phát không cao, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay dự báo 6,5%, cao hơn Philippines, tình hình xã hội, chính trị ổn định...

Do vậy, ông Peter nhận thấy Việt Nam có tiềm năng lớn cho dòng vốn ngoại, nhất là việc đầu tư qua các quỹ đầu tư. Dù vẫn còn nhiều điểm quan ngại, nhưng ông Peter chia sẻ sự lạc quan khi đánh giá tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam và dự định sẽ tìm hiểu về ngành thực phẩm và công nghệ thông tin để đầu tư.

Thông tin SCIC sẽ thoái vốn tại Vinamilk và 9 DN lớn khác, ông Peter cho biết, đây là tín hiệu tốt và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến cơ hội mua cổ phần tại các DN tầm cỡ như vậy.

Ông Takashi Kawabata, Chuyên gia kinh tế châu Á của Uzabase cũng bày tỏ sự quan tâm đến các công ty lớn tại Việt Nam như Vinamilk. Ông cho biết, nhiều công ty Nhật bản muốn hợp tác kinh doanh với các công ty Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng, logistics và cơ sở hạ tầng.

“Chúng tôi hoạt động chính ở Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải, Nhật Bản và đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam”, ông Takashi Kawabata nói.

Dự định của ông là tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam thông qua các quỹ tương hỗ. Nguyên nhân là, các CTCP Việt Nam có quy mô vốn nhỏ, rất khó để các nhà đầu tư lớn thực hiện giải ngân trực tiếp, do vậy, họ thường đầu tư qua các quỹ tương hỗ để dễ dàng hơn trong việc quản lý danh mục và dễ tạo được sự cân bằng.

Tiêu chí chính để lựa chọn DN đầu tư, theo ông Takashi Kawabata, là chất lượng quản trị của DN. Những DN có chất lượng quản trị tốt, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về DN, sẽ nhận được ưu thế hơn khi họ đến tìm cơ hội tại Việt Nam.

Ông Takashi Kawabata đánh giá, Chính phủ Việt Nam phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc thoái vốn Nhà nước tại các DN, đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại. Sự quan tâm là có thật, nhưng quan trọng thời gian thực thi việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN lớn cần rõ ràng và không nên trì hoãn quá lâu, mới có thể biến sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại thành hiện thực rót vốn.

Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề: Chính phủ đã cho phép mở room, nhưng thực tế lại triển khai quá hạn chế. Phải chăng quy định mở room đang được cơ quan quản lý “đá bóng” sang DN, nhất là những DN được nhà đầu tư quan tâm như VNM, FPT…? Hơn nữa, với nhiều DN, cổ đông Nhà nước sở hữu chi phối, dù pháp lý cho mở room, nhưng mở hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào… Nhà nước?

Trước những câu hỏi này, ông Muôn khẳng định, những suy đoán của nhà đầu tư là “không phải”. “Riêng việc SCIC sẽ thoái hết 100% vốn tại VNM và 9 DN khác cũng cho thấy Chính phủ quyết tâm rộng cửa cho các dòng vốn từ nước ngoài”, ông Muôn nói.

Theo ông Muôn, nhìn xa hơn, vấn đề của Việt Nam không phải là mở room với tỷ lệ bao nhiêu, bởi nới mãi thì tới 100% cũng hết, mà quan trọng là phải tạo hàng hóa mới thì mới thu hút được các dòng vốn lớn vào thị trường.

Quyết định SCIC thoái vốn và quyết tâm cổ phần hóa DNNN của Chính phủ tạo ra sự hào hứng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư chờ đợi là thực tế triển khai cụ thể những quyết sách này. Như vậy mới tạo ra cơ hội cho dòng vốn lớn, nhất là vốn ngoại mua cổ phần, mua DN, chứ không chỉ là mời họ đến Việt Nam ngó nghiêng, đánh giá tích cực như mấy năm nay, rồi lại… ra về.

Tin bài liên quan