Sự tham gia tích cực của dòng tiền ngoại là một trong những yếu tố quan trọng nâng đỡ cho đà tăng của chỉ số cũng như thanh khoản của thị trường chứng khoán trong nước. Kết thúc giao dịch 15/11/2017, chỉ số VN - Index đạt 882, 59 điểm, tăng 31,34% so với hồi đầu năm. Đồng thời, chỉ số VN30, chỉ số của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu niêm yết trên HOSE đạt mức 877,58 điểm, tăng 38,44%, so với đầu năm 2017.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11, tổng khối lượng giao dịch tại HOSE đạt hơn 41 tỷ chứng khoán, tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 876.027 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày, có trên 188,2 triệu chứng khoán được giao dịch, tương ứng với 4.018 tỷ đồng giá trị giao dịch, tăng 45,72% về khối lượng và tăng 64,51% về giá trị so với bình quân năm 2016.
Tính đến ngày 15/11/2017, có 42 chứng khoán niêm yết mới trên HOSE (12 trái phiếu, 1 chứng chỉ quỹ ETF, 1 chứng chỉ quỹ, 28 cổ phiếu), với tổng số lượng chứng khoán niêm yết mới là 6.139.070.805 chứng khoán, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Hoạt động niêm yết 2017 diễn ra sôi động, trong đó, có các đợt niêm yết với khối lượng hàng hóa “khủng” như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và CTCP Vincom Retail (VRE), CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) với khối lượng cổ phiếu niêm yết lần lượt là 1,29 tỷ, 1,33 tỷ, 1.9 tỷ, 300 triệu đơn vị là những điểm sáng. Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành, với quy mô vốn lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt qua các năm, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết trên sàn HOSE. Từ đó, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể.
Cũng theo HOSE, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2016, HOSE đã tiếp nhận 38 hồ sơ đăng ký bán đấu giá, trong đó, tiến hành thành công 23 đợt đấu giá, giảm 54,90% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng khối lượng cổ phần chào bán qua Sở đạt trên 205 triệu đơn vị, giảm 57,17% so với cùng kỳ năm 2016 và tổng khối lượng cổ phần bán được đạt trên 192 triệu đơn vị, giảm 36,62% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, tổng khối lượng quyền mua cổ phần chào bán đạt trên 13 triệu đơn vị cổ phần, khối lượng quyền mua cổ phần bán được đạt 100% số chào bán. Như vậy, tổng giá trị cổ phần/quyền mua bán được đạt 12.209 tỷ đồng, tăng 129,91% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, riêng đợt chào bán cổ phần VNM của SCIC đạt hơn 8.900 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phần này đã được một nhà đầu tư nước ngoài “ôm trọn”.
Trong thời gian tới, hoạt động đấu giá cổ phần dự kiến sẽ diễn ra rất sôi động trên HOSE, với nhiều đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và thoái vốn nhà nước với các doanh nghiệp cổ phần mà nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ chi phối.
Có thể kể tới như đợt IPO của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, hay các bán đấu giá cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), CTCP FPT... do SCIC nắm giữ, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn do Bộ Công thương nắm giữ.
Bên cạnh nguồn hàng mới, chất lượng từ các đợt niêm yết, bán đấu giá cổ phần, trong thời gian tới, sàn HOSE sẽ đón thêm nhiều sản phẩm mới. Theo HOSE, Sở sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán triển khai niêm yết và giao dịch như chứng quyền đảm bảo (CW) vào đầu năm 2018.
Sở sẽ tiến hành đánh giá thị trường sau triển khai và tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hoàn thiện các quy định của sản phẩm. Đồng thời, HOSE nâng cao chất lượng các chỉ số và triển khai các chỉ số mới để làm tài sản cơ sở cho sản phẩm phái sinh, ETF, CW.
Cùng với định hướng tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tăng cường hoạt động giám sát thị trường, cải thiện tính minh bạch thị trường, nghiên cứu cơ chế huy động vốn qua sàn giao dịch chứng khoán dành cho start- up của HOSE trong năm 2018, thị trường chứng khoán trong nước kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi những bước tiến ngoạn mục trong thời gian tới.