Kỳ 1: Dòng vốn ngoại rất mạnh
Các động thái mua ròng đáng chú ý
Từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn tích cực tham gia thị trường. Gần đây, hoạt động giao dịch của khối này chậm lại và mua ròng ít hơn, nhưng điểm đáng lưu ý là xu hướng cơ cấu lại danh mục và ưu tiên mua vào các nhóm cổ phiếu đầu ngành như VCB, GAS, PVS, CTG…
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS) dự báo, năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ mạnh mẽ hơn so với các năm trước.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào thị trường Việt Nam thông qua các kênh góp vốn, mua cổ phần, M&A ngày càng nhộn nhịp hơn. Trong thời gian tới, khi có thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng lên niêm yết và thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Hiện tại, không ít quỹ đầu tư quan tâm lựa chọn cổ phiếu và tăng cường nắm giữ, chờ đợi cơ hội tăng giá.
Theo ông Khanh, điều nhà đầu tư ngoại quan tâm nhất vẫn là nới “room”. Vì vậy, khi có chính sách khai thông vấn đề này sẽ thu hút dòng vốn rất lớn tham gia thị trường, tăng cường mua vào các cổ phiếu đã cạn room. Dòng vốn ngoại đổ vào nhiều sẽ tạo lực nâng đỡ thị trường trong nước trong trung hạn.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong tháng 3/2019, có 1.400 tỷ đồng được khối ngoại rót ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam (trong đó, kênh khớp lệnh là 224 tỷ đồng), đưa giá trị mua ròng quý I/2019 lên 4.700 tỷ đồng, với tỷ trọng 60% qua kênh khớp lệnh.
Diễn biến mua ròng của NĐTNN trong quý I/2019 và Xu thế mua ròng được duy trì qua kênh ETF
Tính riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng 3 là 981 tỷ đồng, bao gồm 165 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Trước đó, trong tháng 2, giá trị mua ròng là 2.860 tỷ đồng, bao gồm gần 50% qua kênh khớp lệnh.
Đáng chú ý là dòng tiền từ các quỹ ETF. Vẫn theo thống kê của SSI, 3 quỹ gồm VFMVN30, Van Eck ETF và DB FTSE mua ròng tổng cộng khoảng 1.300 tỷ đồng, với tỷ trọng 57,6% đến từ VFMVN30 (đây là quỹ nội, nhưng được nhà đầu tư mua ròng chứng chỉ quỹ, qua đó gián tiếp sở hữu các cổ phiếu hết room). Danh mục rổ cổ phiếu của hai chỉ số FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index đều được giữ nguyên trong kỳ tái cơ cấu quý I/2019 nên không nhiều giao dịch đột biến ở 2 quỹ ngoại là Van Eck ETF và DB FTSE.
Top mua ròng của NĐTNN trong quý I/2019 và Top bán ròng của NĐTNN trong quý I/2019.
Hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 3/2019 là CTG và VCB trên HOSE, lần lượt 476 tỷ đồng và 453,2 tỷ đồng. Tiếp theo là cổ phiếu CDN trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), được mua ròng 397 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch của Wan Hai Lines (Singapore) khi tổ chức này mua 19,83 triệu đơn vị trong phiên 22/3, qua đó sở hữu 20% cổ phần của doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, VNM bị bán ròng nhiều nhất (732 tỷ đồng), tiếp theo là VJC và NBB, với giá trị bán ròng 491 tỷ đồng và 333,6 tỷ đồng.
Trong những phên gần đây, giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến điều chỉnh, gây áp lực tới các chỉ số. Tuy nhiên, không ít cổ phiếu khác như GAS, FPT, VRE, POW, VNM… thường xuyên duy trì sắc xanh, giúp hạn chế đà giảm của thị trường.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dòng tiền chung đang trở nên thận trọng, nhưng thanh khoản tăng lên khi chỉ số giảm điểm. Mức hỗ trợ 965 điểm của VN-Index chưa bị phá vỡ, đó là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu trạng thái cổ phiếu tiêu cực tăng lên và dòng tiền bị rút ra thì tâm lý của thị trường sẽ yếu dần.
Triển vọng dòng vốn ngoại quý II
Trong quý II/2019, ngoài dòng vốn ETF, thị trường Việt Nam được dự báo có thể thu hút thêm các dòng vốn ngoại khác như dòng vốn từ Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các thương vụ thoái vốn, các giao dịch mua bán thỏa thuận lô lớn. Hay việc các quỹ đầu cơ đón đầu cơ hội thị trường Việt Nam được nâng hạng sẽ tiếp tục rót vốn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, hoặc thông qua các quỹ ETF hiện tại để gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, ngân hàng và một số cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 có khả năng thu hút dòng vốn ngoại nhiều nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VietinBank nhận xét, dòng vốn ngoại bao gồm cả FDI và FII trong quý I/2019 rất mạnh và ổn định.
Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký trong quý đầu năm là 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số vốn FDI đã giải ngân là 4,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với xu thế chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào và độ mở, mức độ hội nhập của nền kinh tế lớn, kỳ vọng nguồn vốn FDI trong năm 2019 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong những quý cuối năm.
Dự báo, vốn ngoại tiếp tục rót vào các mã vốn hóa lớn, hoặc thông qua các quỹ ETF để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng... có khả năng hút vốn ngoại nhiều nhất.
Về phương diện vốn FII, lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ trong quý I/2019 thông qua các quỹ ETF đã đạt hơn 3.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% giá trị mua ròng của khối ngoại trên toàn thị trường. Với nỗ lực cải cách thị trường toàn diện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như kế hoạch thoái vốn nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn trong năm nay, dòng vốn FII nhiều khả năng sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, bước sang quý II/2019, các yếu tố rủi ro dự báo từ đầu năm 2019 có phần giảm dần đều như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không gia tăng mức độ căng thẳng, mà có dấu hiệu gần đi đến hồi kết sẽ có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chậm lại. Brexit cũng như châu Âu, Brexit cần nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề nội bộ. Trong nước, giá xăng, giá điện tăng sẽ tác động đến lạm phát, chi phí đầu vào tăng sẽ tác động đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ ít nhiều tác động đến giao dịch chung của thị trường, trong đó có khối ngoại.
Dù chưa xuất hiện những yếu tố tích cực rõ ràng trong quý II/2019, nhưng Chứng khoán Everest dự báo, thị trường sẽ có diễn biến khả quan trong giai đoạn cuối quý. Cộng hưởng với những thông tin hỗ trợ từ bên ngoài như Mỹ - Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại vào nửa cuối quý II, Fed duy trì chính sách lãi suất thận trọng, thì hoạt động của khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ khả quan hơn. Thị trường có thể sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng điểm.
Kỳ 2: Vì sao ETF hấp dẫn vốn ngoại?