Vốn ngoại: Áp lực ở lại dài lâu

Vốn ngoại: Áp lực ở lại dài lâu

(ĐTCK) TTCK Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay được nếm khá nhiều "thuốc thử". 

Tháng 5, bên cạnh một số thông tin tiêu cực, nhiều nhà đầu tư chốt lời, cùng với đồn đoán việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tạo nên tác động cộng hưởng lớn trên toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng, rút vốn mạnh khỏi thị trường qua nhiều phiên. 

Trong tháng 5, giá trị bán ròng của khối ngoại riêng khớp lệnh là 6.000 tỷ đồng, cao gấp đôi mức 3.000 tỷ đồng trong tháng 4, đánh dấu tháng thứ 4 bán ròng liên tiếp kể từ đầu năm với giá trị lên tới 12.800 tỷ đồng.

Vậy nhưng, thống kê cho thấy, dòng vốn ngoại vào ròng TTCK Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn ở mức tương đối cao. Nhờ một số thỏa thuận lớn, dòng vốn ngoại duy trì mua ròng với giá trị 35.100 tỷ đồng lũy kế từ đầu năm.

Ðúng như dự đoán của nhiều nhà đầu tư, rạng sáng ngày 14/6, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng mức lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng Mỹ vào khoảng 1,75-2%/năm. Ðộng thái này dấy lên câu hỏi về việc dòng vốn ngoại có nhanh chóng rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam hay không?

Ngoài đợt tăng lãi suất vừa qua, Fed còn dự tính từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể tăng thêm 2 lần nữa. Với tổng cộng 4 lần, tốc độ tăng sẽ diễn ra nhanh hơn kỳ vọng của thị trường. Thực tế cho thấy, dòng vốn đã và đang bị rút ra khỏi thị trường mới nổi và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo quan sát của CTCK MB (MBS), tại khu vực châu Á, các nước Indonesia, Malaysia, Phillippines, Ấn Ðộ đã phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát và làn sóng mất giá nội tệ trước sự lên ngôi của USD-Index. MBS cũng cho rằng, thời điểm tiếp theo có thể sẽ khó khăn với TTCK toàn cầu nói chung và các thị trường mới nổi nói riêng.

Vậy TTCK Việt Nam liệu có khó? Một số ý kiến lạc quan cho rằng, về dài hạn, diễn biến dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thu hút vốn ngoại, nhất là dự án Luật sửa đổi Luật Chứng khoán sắp được trình Quốc hội.

Trong ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng có thể sẽ không lớn, nhất là khi thị trường đã bình tâm hơn sau "cơn bão" giảm giá. Trên nhiều sàn giao dịch, nhà đầu tư đã thôi không còn phỏng đoán “đâu là đáy của VN-Index”.

Việc nâng lãi suất của Fed chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, song quan trọng hơn là sức hút của chính TTCK mỗi nước và khẩu vị của nhà đầu tư ngoại. Khác với các nhà đầu tư cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô, các quỹ đầu tư ngoại theo trường phái đầu tư giá trị và rất khắt khe trong việc “chọn mặt gửi vàng”.

Những danh mục cổ phiếu được sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục được đánh giá lại qua từng quý. Thực vậy, trái với diễn biến tiêu cực của nhiều nhà đầu tư, trong tháng 5, có 3 quỹ ETF liên tục tăng vốn và mua ròng cổ phiếu.

Sau đợt chứng khoán Việt giảm mạnh vừa qua, Bloomberg công khai nhận định rằng, định giá cổ phiếu trong VN-Index đang ở mức gần thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trong tương quan so sánh với MSCI Frontier Emerging Markets Index.

Ðồng thời, nhìn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và tiềm năng của các doanh nghiệp trụ cột trên sàn, những nhà đầu tư chuyên nghiệp có nhiều lý do lạc quan. Vốn ngoại khó có thể rời bỏ TTCK Việt Nam khi 5 năm gần đây, sức tăng của chứng khoán Việt hấp dẫn hơn nhiều lần lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế. Vấn đề là chọn đúng cổ phiếu, đúng thời điểm để mua. 

Tin bài liên quan