Ảnh Internet
Một số báo mới đây dẫn số liệu từ NHNN cho biết, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD tại các thời điểm tháng 8, tháng 9 và tháng 11/2014 lần lượt là 18.537,05 tỷ đồng; 19.291,61 tỷ đồng; 20.130,29 tỷ đồng, chiếm lần lượt 4,26%; 4,43%; 4,62% so với vốn điều lệ, vốn được cấp. Như vậy, tỷ lệ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD trung bình tại các thời điểm trên khoảng 4,5% so với vốn điều lệ, vốn được cấp. Với mức vốn điều lệ tại thời điểm tháng 12/2014 của toàn hệ thống khoảng 453.292 tỷ đồng, tổng mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu với tỷ lệ quy định tại Thông tư 36 là khoảng 22.665 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, Thông tư 36 không gây sức ép đáng kể đến dòng tiền vay trên TTCK Việt Nam.
Nghiên cứu độc lập của CTCK VPBS cho biết, trong tổng số trên 435.000 tỷ đồng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng hiện nay, có khoảng 86.636 tỷ đồng là vốn điều lệ của các ngân hàng nước ngoài, vốn lâu nay không tham gia vào thị trường cho vay chứng khoán.
Cùng với đó, có khoảng 86.449 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng có nợ xấu trên 3% - đối tượng không được cho vay đầu tư cổ phiếu. Như vậy, 5% của số vốn điều lệ còn lại của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay đầu tư chứng khoán chỉ khoảng 13.108 tỷ đồng, chưa kể số ngân hàng có nợ xấu trên 3% dự kiến còn tăng lên từ đầu năm 2015 sau khi Thông tư 02/2013 và Thông tư 09/2014 của NHNN có hiệu lực, sẽ tiếp tục khiến lượng vốn có thể cho vay suy giảm.
Theo nghiên cứu này, Thông tư 36 sẽ buộc các ngân hàng co mạnh dòng vốn đang chảy vào TTCK, mới có thể về ngưỡng 13.108 tỷ đồng như quy định.
Dòng tiền từ ngân hàng chảy sang chứng khoán thực tế là bao nhiêu vẫn đang là câu hỏi mà dư luận chờ NHNN, UBCK thống nhất về số liệu và công bố song hành.