Vốn khó chảy mạnh “mùa cao điểm” tín dụng

Vốn khó chảy mạnh “mùa cao điểm” tín dụng

(ĐTCK) Dù lãi suất cho vay từng bước được giảm thêm và các nhà băng cũng đẩy mạnh cho vay, song tăng trưởng dư nợ được đánh giá vẫn khó đạt mục tiêu đề ra.

>> Lãi suất cho vay quý IV có thể sẽ hạ thêm

>> Ngân hàng chưa vội lo thanh khoản cuối năm

>> 8 ngân hàng cho các DN TP. HCM vay ưu đãi hơn 1.131 tỷ đồng

>> Chuyện ngân hàng “đi săn”   

“Phải sáng suốt trong bất kỳ sự tăng trưởng quá nhanh nào”

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc Ngân hàng Mê Kông (MeKongBank)

Chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động cho vay để hỗ trợ khách hàng, nhất là những tháng còn lại của năm. Tăng trưởng tín dụng của MeKong Bank hiện đang ổn định và tập trung vào khách hàng cá nhân, đi kèm với việc cân đối chất lượng tín dụng. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ xin NHNN nâng “room” để có thêm dư địa cho vay. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu tín dụng của khách hàng khả quan hơn trong quý còn lại của năm, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ và DNNVV và chiến lược của MeKong Bank là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vốn nhóm khách hàng này.

Tôi tin rằng, vẫn có cơ hội tồn tại và tăng trưởng trong thực tế khó khăn. Điều quan trọng là phải cẩn trọng trong từng bước đi và phải sáng suốt trong bất kỳ sự tăng trưởng quá nhanh nào.  Đối với MeKong Bank, Ngân hàng không gặp khó khăn với nợ xấu, nhưng trong bối cảnh thị trường khó khăn ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi chúng tôi cũng phải thận trọng trong quá trình phát triển tín dụng.

 

“NamA Bank vẫn tăng mạnh cho vay, nhưng số tuyệt đối không đáng là bao”

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam Á (NamA Bank)

Nhu cầu sử dụng vốn của các doanh nghiệp trong quý IV luôn cao hơn so với 3 quý đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, tồn kho tăng, sức mua yếu hiện nay thì cả phía doanh nghiệp và các ngân hàng đều thận trọng đi vay và cho vay.

VAMC được xem là công cụ và động lực lớn trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC cũng không thể một lúc giải quyết được tất cả vấn đề mà các ngân hàng cũng phải có biện pháp để tự xử lý nợ xấu của mình. Trong thời gian qua, một số nhà băng đã đánh tiếng bán nợ xấu cho VAMC, nhưng với NamA Bank, là một ngân nhỏ, nên chúng tôi vẫn có thể kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu của mình.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng sau khi được NHNN cho phép nâng “room” lên 30%, chúng tôi kỳ vọng sẽ hoàn tất. 9 tháng đầu năm, tín dụng của NamA Bank vẫn tăng trưởng theo lộ trình và kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, do quy mô NamA Bank còn nhỏ nên nếu xét về con số tăng trưởng tuyệt đối của dư nợ tín dụng thì còn rất thấp.

 
“TP. HCM sẽ tiếp tục tích cực kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dịp cuối năm”

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM

Thông thường, trong quý IV, tín dụng sẽ cải thiện tốt hơn so với các quý đầu năm, với mức tăng trưởng dư nợ cao hơn khoảng 10 - 15%. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM ước đến cuối tháng 9/2013 đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng 8/2013, tăng 5,21% so với cuối năm 2012 và tăng 16% so cùng kỳ. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đến thời điểm này, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đạt khoảng 84% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng tiền đồng tăng nhanh, đạt 11,61%. Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm liên tục, giảm đến 18,94% so với cuối năm 2012. Cơ cấu kỳ hạn cho vay cũng đã thay đổi. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn của các ngân hàng đạt 406.090 tỷ đồng, chiếm 45,3% trong tổng dư nợ. Tỷ lệ này tăng so với cùng kỳ năm 2012 và các năm trước đây (cuối năm 2012 đạt 44,5%).

Hiện các ngân hàng thương mại đang tích cực đẩy mạnh vốn hỗ trợ khách hàng, cả với cá nhân và doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm 2013, NHNN Chi nhánh TP. HCM đã phối hợp với Sở Công thương Thành phố, UBND các quận, huyện chỉ đạo các ngân hàng thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn 14 quận, huyện. Tổng hạn mức đã ký kết và giải ngân là 7.336 tỷ đồng cho 286 doanh nghiệp và 65 hộ kinh doanh. Lãi suất cho vay ở mức tối đa 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9 - 12%/năm đối với trung, dài hạn. Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố, hỗ trợ kịp thời về vốn cho các doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Cụ thể, trong ngày 10/10, các ngân hàng trên địa bàn quận 1 sẽ kết nối và giải ngân 3.000 tỷ đồng cho hơn 50% hộ kinh doanh trên địa bàn với lãi suất thấp nhất là 8%/năm.

Vì thế, tăng trưởng tín dụng có thể kỳ vọng ở quý IV. Tuy nhiên, điều đó cũng còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường và tình hình nợ xấu. Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2013 vẫn chiếm 5,99% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 8/2013, nợ nhóm 5 chiếm đến 69,1% tổng nợ xấu của các ngân hàng ở TP. HCM.

 

“Muốn tăng tín dụng, phải có kích cầu”

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Mặc dù 9 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng toàn ngành chỉ đạt hơn 6%, để đạt phân nửa còn lại chỉ trong 3 tháng cuối năm là không phải dễ, nhưng nhu cầu vốn thường tăng cao ở quý này. Tuy nhiên, do rào cản nợ xấu, sức khỏe doanh nghiệp yếu nên không thể đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng. Các ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay, vì lo ngại nợ xấu tăng. Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các doanh nghiệp, nhưng vấn đề quan trọng hơn đối với doanh nghiệp trong lúc này chính là sức mua và tình hình tồn kho. Trong khi đó, sức mua của thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện. Sức mua vẫn yếu do thu nhập của người dân không tăng. Tồn kho có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao.

Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện còn yếu. Nợ xấu vẫn là mối lo, cho dù VAMC đã mua lại nợ xấu của một số ngân hàng. Vì thế, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đề ra 12% cho năm nay, theo tôi, không phải là con số quá cao so với các năm trước, nhưng để đạt được mục tiêu này cũng cần có sự nỗ lực hơn trong việc kích cầu và xử lý nợ xấu.